“Vòng xoáy” nợ nần khi vay tiền qua App

Thứ Tư, 18 /08/2021 15:24

Bài 1

Dễ sập bẫy

Thời gian gần đây, nắm bắt được nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân, đặc biệt là đối với NLĐ đang gặp khó khăn do mất việc làm, không có thu nhập vì dịch COVID-19, trên mạng Internet đã xuất hiện các hình thức cho vay tiền thông qua ứng dụng trên điện thoại di động thông minh (App).

Giải ngân nhanh, 15 phút có tiền

Lên mạng tìm kiếm từ khóa “vay tiền online”, chỉ chưa đầy 1 phút đã cho ra 132 triệu kết quả liên quan đến rất nhiều ứng dụng cho vay trên qua App, với các lời mời chào, quảng cáo cho vay nhanh, lãi suất thấp, giải ngân chỉ trong vòng 10-15 phút, thủ tục đơn giản như: Tải App, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và CMND…

Các App vay tiền online thường có thủ tục nhanh gọn, dễ dàng nên nhiều người dân rất dễ bị lừa

Để hiểu rõ hình thức vay tiền online này, phóng viên Tạp chí BHXH đã trực tiếp liên hệ với số hotline của một App vay tiền khá phổ biến hiện nay. Khi đặt vấn đề, nhân viên của App tư vấn ngay: “Công ty chúng em luôn có giải pháp giúp khách hàng giải quyết các vấn đề tài chính cá nhân cấp bách trong thời gian nhanh nhất. Chúng em luôn đặt lợi ích của người vay lên hàng đầu. Nếu anh/chị có nhu cầu, bên em sẽ hỗ trợ ưu đãi khoản vay đầu tiên 0%. Mọi thủ tục vay online được hoàn tất nhanh chóng và giải ngân cho khách hàng trong 10-15 phút…”.

Theo hướng dẫn của nhân viên, App cho vay tiền với các đối tượng là người Việt Nam, hồ sơ vay tiền chỉ cần cung cấp các thông tin cá nhân như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi ở, mức thu nhập hiện tại, CMND, ảnh chân dung người vay... Thủ tục xét duyệt hồ sơ cho vay diễn ra vài phút sau khi hồ sơ hoàn tất. “Em đang thất nghiệp không có thu nhập, vậy có vay được không?”- tôi đặt câu hỏi. Nhân viên App nhanh chóng đáp: “Dạ, không sao, bên em vẫn hỗ trợ khách hàng không có thu nhập ạ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu khách hàng vay 5 triệu đồng, thì số tiền phải thanh toán sau 3 tháng là hơn 7,4 triệu đồng. Tuy nhiên, do chủ App có ưu đãi khoản vay đầu, nên sẽ được miễn phí lãi trong vòng 14 ngày đầu tiên. Đặc biệt, sau khi vay và hoàn thành khoản vay đầu tiên, khách sẽ tiếp tục được hỗ trợ mức vay cao hơn đến 15 triệu đồng, áp dụng lãi suất 12% trong 7 ngày, mỗi ngày sẽ trả cả lãi và gốc là 2,4 triệu đồng, tổng lãi cho 7 ngày là 1,8 triệu đồng…

Khi được hỏi về địa chỉ cụ thể của công ty, nhân viên tư vấn cho biết, do là công ty nước ngoài nên mọi hoạt động được phân vùng tại các chi nhánh trên toàn quốc và các thủ tục, giải ngân đều được thực hiện online. Khách hàng chỉ cần cung cấp tài khoản ngân hàng và tiền sẽ được đổ về tài khoản đó... Sau khi tham khảo xong, ngay lập tức, nhiều số điện thoại khác nhau liên tục gọi vào máy phóng viên để tư vấn các gói vay online với các App khác nhau. Thậm chí, bên cho vay còn quả quyết rằng, họ làm việc này xuất phát từ ý tưởng muốn giúp đỡ những người đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rủi ro từ việc vay tiền trên mạng ngày càng trở nên phổ biến, bởi các thủ tục quá nhanh chóng và đơn giản của hình thức vay tiền này tồn tại nhiều yếu tố lừa đảo.

Nhằm vào những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn

Mới đây, phản ánh tới Tạp chí BHXH, bà Nguyễn Thị Thoa- chủ một nhà trọ tại thôn Bầu (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, tình trạng NLĐ không có thu nhập tìm đến các loại “tín dụng đen online” ngày càng nhiều, dẫn đến những hệ lụy xấu cho NLĐ và cả người dân sinh sống nơi đây. Theo giới thiệu của bà Thoa, chúng tôi liên hệ được với anh N.H.T (28 tuổi, quê Phú Thọ) là công nhân trong KCN Thăng Long. Chỉ vì vay tiền online, hơn 3 tháng trước, anh T. đã phải gánh số nợ lên tới gần 100 triệu đồng. Theo lời anh T, do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên thu nhập của anh giảm khoảng 2/3. Hồi đầu năm nay, do vay của bạn cùng phòng trọ 4 triệu đồng để đi điều trị bệnh sỏi thận, đến hạn trả nhưng chưa có tiền, nên anh T. đành lên mạng tìm kiếm các App cho vay tiền online.

Đúng như những gì mà phóng viên ghi nhận, mọi thủ tục vay online đều đơn giản, chỉ cần gửi ảnh chụp CMND, địa điểm làm việc, nơi ở trọ… Ngay sau đó, tài khoản của anh T. đã nhận được tiền, nhưng chỉ là 2,7 triệu đồng, chứ không phải 4 triệu đồng như hợp đồng vay. Gọi điện lại, anh T. nhận được câu trả lời từ phía App là trừ tiền tư vấn và hỗ trợ hồ sơ… “Lúc tư vấn, họ hoàn toàn không nói rõ các khoản này và tôi cũng không thể nào ngờ được số tiền tư vấn và hỗ trợ như họ nói lại lớn đến vậy”- anh T. bức xúc chia sẻ.

Lâm thế bí khi đến hạn trả nhưng lại chưa đủ tiền, nên anh T. lại liều mình vay thêm 3 triệu tại một App khác. Sau khi trừ đi các khoản phí và lãi của 2 khoản vay thì vừa đủ 4 triệu đồng để trả bạn. Nhưng cũng từ đây, chuỗi ngày khiến anh quay cuồng trong nợ nần chồng chất, vì các App cũng chính thức bắt đầu quá trình “thu hồi nợ”. Mỗi khi quá hạn, các khoản lãi lại tăng theo cấp số nhân nên chỉ sau hơn một tháng, tổng số tiền nợ của anh T. đã lên tới gần 100 triệu đồng.

Liên tục bị gọi điện đe dọa, anh T. nhanh chóng tắt máy, ngắt toàn bộ liên lạc. Tuy nhiên, chỉ một vài ngày sau, các đối tượng đã nhanh chóng đến tận công ty và phòng trọ để tìm. Lo sợ bị hành hung và số nợ sẽ nhanh chóng tăng lên, anh T. đành phải nhờ người nhà chạy vạy vay được hơn 50 triệu ở quê mang lên Hà Nội để trả. Số tiền còn lại, anh được mọi người trong xóm trọ và chủ xóm trọ là cô Thoa giúp đỡ…

Theo ông Đinh Quốc Toản- Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội, trước đây, nhiều công nhân trên địa bàn bị sa vào “tín dụng cột điện” (tín dụng đen cho vay qua thông tin dán trên cột điện- PV). Nhờ sự vào cuộc của các cấp cũng như công tác tuyên truyền của Công đoàn, tình trạng này đã đỡ phần nào. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình khó khăn của NLĐ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hình thức cho vay qua App xuất hiện rầm rộ đã dễ dàng dụ dỗ được nhiều NLĐ.

“Các chiêu trò quảng cáo đánh vào tâm lý của NLĐ như thủ tục cho vay dễ dàng, lãi suất thấp, không cần chứng minh tài chính… khiến nhiều NLĐ mắc bẫy loại tín dụng đen này. Chỉ đến khi không trả tiền đúng kỳ hạn mới biết và bị phạt lãi rất cao. Nhiều trường hợp App này không trả nổi thì vay tiếp App khác bù vào. Cứ như vậy, khi lãi chồng lãi, khoản nợ nhanh chóng tăng đến hàng trăm triệu đồng”- ông Toản chia sẻ.

Hoài Anh