Print

Đảm bảo NLĐ về già có lương hưu

Thứ Hai, 06 /11/2017 10:54

Chính sách BHXH một lần thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về tính chất an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống suốt đời của NLĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ trong việc di chuyển nơi làm việc của mình… Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Điều Bá Được- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam).

* PV: Là người theo sát và có dịp tiếp cận với chính sách BHXH của nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới, ông có thể cho biết chế độ BHXH một lần trên thế giới được quy định như thế nào?

- Ông Điều Bá Được:

Hiện nay, trên thế giới có 2 hệ thống BHXH, đó là hệ thống BHXH xác định mức hưởng và hệ thống BHXH xác định mức đóng hay còn gọi là hệ thống BHXH theo tài khoản cá nhân.

Với các quốc gia có hệ thống BHXH tổ chức theo nguyên tắc mức hưởng xác định trước thì chỉ có Việt Nam và một quốc gia ở châu Phi là Sudan cho phép NLĐ được nhận BHXH một lần sau khi họ đã nghỉ việc không tham gia BHXH. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Sudan chưa có chính sách BH thất nghiệp nên họ phải làm như vậy.

Với 3 quốc gia ngay sát chúng ta là Lào, Campuchia và Mianmar, có trình độ phát triển gần ngang bằng so với Việt Nam, các nước này cũng bắt buộc NLĐ phải từ 50- 55 tuổi mới được hưởng BHXH một lần. Trong khi đó, một số quốc gia (thuộc cả 2 hệ thống BHXH) như Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga, Đức... không cho phép hưởng BHXH một lần.

Đối với các quốc gia tổ chức BHXH theo tài khoản cá nhân (như Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Mỹ và Anh) đã thiết kế hệ thống BHXH nhiều tầng: Tầng 1 hay còn gọi là BH hưu trí cơ bản và tầng 2 là BH hưu trí bổ sung, tầng 3 là BH thương mại mang tính chất tự nguyện tham gia (BH nhân thọ). Đối với tầng 1 là hưu trí cơ bản thì các hệ thống BHXH theo tài khoản cá nhân cũng không cho phép rút BHXH một lần trước khi đến tuổi nghỉ hưu, thông thường là 55 tuổi, trừ trường hợp bất khả kháng như NLĐ định cư ở nước ngoài, bệnh hiểm nghèo (cũng giống như quy định của Việt Nam).

* Những năm gần đây, số đối tượng hưởng trợ cấp BHXH một lần đang tăng nhanh và có xu hướng cân bằng với số lao động tham gia BHXH tăng mới. Điều này dường như đang đi ngược với mục tiêu của chính sách BHXH là đảm bảo an sinh xã hội trong dài hạn cho NLĐ?

- Trong thời gian gần đây, tình trạng NLĐ đề nghị nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số lao động này khi về già sẽ không có cơ hội được hưởng lương hưu đời sống sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ. Tuy nhiên, NLĐ cần hết sức thận trọng cân nhắc kỹ trước khi làm đơn đề nghị hưởng BHXH một lần vì các lý do sau:

Thứ nhất, khi nhận BHXH một lần thì NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cần hiểu rằng khoản tiền đóng vào quỹ BHXH tương ứng với thời gian đã đóng BHXH là của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại vẫn ngày một tăng thêm giá trị do được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước (theo mức 10, 25, 30% mức đóng tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tùy theo đối tượng).

Trong thời gian bảo lưu nếu chẳng may bị chết thì gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần.

Thứ hai, nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn: Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương; trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, NLĐ bị thiệt mất 0,64 tháng lương và quỹ có lợi, nhưng chúng ta không khuyến khích việc nhận BHXH một lần cũng chính vì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân. Nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu, thì thiệt thòi là không tính hết được. Người hưởng lương hưu, ngoài lương hưu còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ BHYT (bằng 4,5% mức lương hưu); và định kỳ, trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (trượt giá), Nhà nước điều chỉnh tăng lương hưu tương ứng (từ năm 2003 đến nay Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 15 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần tùy theo nhóm đối tượng). Khi chết, gia đình còn được trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nếu đủ điều kiện hoặc được hưởng trợ cấp tuất một lần với mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu.

Trên thực tế, những người đã chọn nhận trợ cấp thôi việc (một cục) theo các Nghị định 176/HĐBT, Nghị định 109/HĐBT, Nghị định 111 ban hành trước ngày 1/1/1995 nay gọi là BHXH một lần đều hết sức tiếc nuối về sự lựa chọn sai lầm của mình nay muốn nộp lại khoản tiền đã nhận cộng với lãi suất để được hưởng lương hưu cũng không được do pháp luật không cho phép. Vì vậy, sẽ là sai lầm khi NLĐ lựa chọn nhận BHXH một lần thay vì tích lũy để hưởng lương hưu, bởi nhận BHXH một lần sẽ thiệt thòi hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu.

* Theo ông, cần phải xem xét vấn đề BHXH một lần như thế nào để chúng ta có thể đưa ra những giải pháp tốt nhất với NLĐ và quỹ BHXH?

- Theo đó, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta hiện nay đang tập trung vào 4 nội dung chính như sau:

Một là, ban hành các chính sách chủ động để tạo ra cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho NLĐ yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật để mở rộng cơ hội cho NLĐ tham gia hệ thống chính sách BHXH, BH thất nghiệp chủ động đối phó khi bị giảm hoặc bị mất thu nhập do các rủi ro như: ốm đau, thai sản, mất việc làm, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tuổi già hoặc bị chết.

Ba là, có chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát (mất mùa, thiên tai, động đất, chiến tranh, đói nghèo,...) thông qua các khoản tiền mặt và hiện vật do NSNN bảo đảm.

Bốn là, tạo môi trường thuân lợi để người dân tiếp cận với hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin.

Ngoài sự cố gắng của Nhà nước thông qua các chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội thì vai trò của mỗi người dân trong việc tự bảo đảm cuộc sống khi về già không bị phụ thuộc vào gia đình, xã hội thông qua việc nâng cao năng lực tự an sinh cùng với sự trợ giúp của Nhà nước sẽ tạo nên một lưới an sinh xã hội bền vững là chỗ dựa vững chắc cho NLĐ.

* Trân trọng cảm ơn ông!

V.Thu (Thực hiện)