Print

Chuyện về người đặt “nền móng” cho ngành BHXH

Thứ Năm, 13 /02/2020 19:43

Trong ký ức của nhiều người, nguyên Chủ tịch HĐQL BHXH Việt Nam Hồ Tế là một người đáng kính, tận tâm, luôn lo nghĩ cho đời sống nhân dân, công việc của CCVC trong Ngành và xa hơn là sự phát triển vững chắc của BHXH Việt Nam. Chứng kiến sự phát triển của ngành BHXH, ông Hồ Tế luôn tin rằng, ở bất kỳ giai đoạn nào, dù khó khăn đến mấy, đội ngũ cán bộ của Ngành vẫn luôn hết mình, tận tâm phục vụ.

Muôn trùng khó khăn

Chúng tôi tìm đến tư gia nguyên Bộ trưởng Tài chính, nguyên Chủ tịch HĐQL BHXH Việt Nam Hồ Tế vào sớm một ngày cuối năm- cái thời khắc hay gợi lại cho mỗi người những suy tư, hoài niệm về quá khứ. Rời nhiệm sở đã 20 năm, lặng lẽ an hưởng tuổi già cùng người bạn đời với những niềm vui riêng nhưng mỗi khi nhắc về kỷ niệm của những năm đầu thành lập ngành BHXH, ông luôn cảm thấy tự hào và xúc động.

Ông Hồ Tế vẫn luôn dõi theo sự lớn mạnh của Ngành

Nhấp chén trà mạn, dòng hồi tưởng đưa ông trở về thời điểm đầu năm 1997, khi ngành BHXH mới ra đời được 2 năm và đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Khi đó, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Tài chính và được Thủ tướng Chính phủ cử sang làm Chủ tịch HĐQL BHXH Việt Nam chuyên trách. Vốn từng giữ trọng trách cao nhất trong Bộ Tài chính, ông thấu hiểu trách nhiệm của mình trên cương vị mới, nhất là lại ở một ngành non trẻ như BHXH. Ông kể, những ngày đó, ngành BHXH phải thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo nguồn thu vững chắc; gây dựng hệ thống tổ chức; xây dựng trụ sở làm việc giúp BHXH các cấp “an cư lập nghiệp”. Đi kèm với đó, còn phải tuyên truyền, vận động để mọi cấp, mọi ngành và mọi người dân hiểu về BHXH...

Dù gian nan là vậy, nhưng trong suy nghĩ của ông, những khó khăn ấy chỉ càng vun đắp sâu sắc hơn “cái tâm” của những người thực hiện chính sách. Nói về những người cộng sự của mình, ông tự hào: “Đoàn kết, cố gắng hết mình vì sự nghiệp chung. Khó khăn nhưng chẳng một lời phàn nàn, vẫn luôn tận tâm, tận lực phục vụ kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn nhất của Tổ quốc...”. Đó cũng chính là lý do giúp ông cùng với ban lãnh đạo BHXH Việt Nam chèo lái “con thuyền BHXH” vượt qua muôn trùng gian khó trong những ngày đầu tiên, góp những viên gạch vững chắc để xây sự nghiệp ASXH.

Đến nay, dù đã gần 20 năm rời nhiệm sở, sống cuộc sống giản dị của một cán bộ hưu trí, nhưng ông vẫn cập nhật những “hơi thở” của ngành BHXH. Chỉ cho tôi thấy chồng báo cao ngút đầu người: Báo BHXH, Báo Nhân Dân, Báo Lao động..., ông nói, đó chính là “tai mắt” của ông kể từ ngày xa rời công việc. Rồi ông nhắc đến Chỉ thị số 15/CT-TW ngày 26/5/1997 về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH- chỉ thị mà ông đã dành nhiều tâm trí, sức lực đóng góp để kịp ra đời. Ông bảo: “Đảng và Chính phủ ngày càng quan tâm nhiều hơn, chú trọng tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu. Thêm nữa là vận động đến các DN sao cho độ bao phủ được nâng lên. Không chỉ là BHXH bắt buộc mà còn là BHXH tự nguyện của người dân nữa…”.

Không ngành nào gắn bó với con người như BHXH

Trong tiết trời se lạnh của sớm cuối năm, ông còn kể cho chúng tôi nghe về những chuyến công tác đầu tiên với tư cách Chủ tịch HĐQL BHXH Việt Nam. Trong ký ức của những thế hệ đầu tiên góp sức xây dựng nên ngành BHXH, không ai có thể quên được những lời căn dặn giản dị, gần gũi mà rất sâu sắc của ông: “Không có ngành nào gắn bó với con người như BHXH, từ khi đẻ ra đến khi lớn lên, đi làm, rồi nghỉ hưu, già, chết”. Thấu hiểu sứ mệnh lớn lao của Ngành, ông đã đề xuất rất nhiều quyết sách với những bước đi độc đáo để nâng tầm phát triển cho BHXH Việt Nam.

Ông Hồ Tế phát biểu tại Hội thảo thu BHXH ngoài quốc doanh năm 1998

“Tôi luôn nhắc nhở anh em, mình vừa là cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ, vừa làm dịch vụ bảo hiểm- sản phẩm của mình là dịch vụ vì sự nghiệp ASXH của con người. Quỹ BHXH là một quỹ tài chính lớn độc lập với NSNN. Vì thế, cán bộ ngành mình phải giỏi thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- ông Hồ Tế chia sẻ. Cũng theo ông Hồ Tế, khi còn đương chức, những chuyến công tác về địa phương thấy anh em vất vả do phải làm thủ công nhiều, từ chuyện cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT đều làm thủ công, toàn viết tay…, nên bây giờ được chứng kiến sự hiện đại của Ngành, ông rất mừng.

Dù đã cao tuổi, nhưng ông Hồ Tế vẫn nhớ chi tiết từng thành tích của Ngành trong những năm qua. Không giấu nổi sự tự hào, ông bảo: “Hơn 90 triệu dân, mỗi người có một mã riêng gồm tất cả thông tin cá nhân, quá trình tham gia BHXH, BHYT y như các nước phát triển trên thế giới. Đấy là cái mà tôi đánh giá rất cao. Cũng phải nói rằng, đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của anh chị em ở địa phương. Đọc báo, nghe đài nhiều, tôi cũng biết 2 năm vừa qua, BHXH Việt Nam được Bộ TT-TT xếp hạng 2, rồi hạng 1 về cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan trực thuộc Chính phủ. Mình làm sao cho anh em đỡ khổ, dân đỡ khổ là tốt lắm…”.

Giờ đây, do thời gian và tuổi tác nên ông chủ yếu theo dõi sự tiến bộ của ngành BHXH qua những trang báo. Trước mỗi tin vui, ông đều lưu lại, để ở một nơi riêng, trang trọng. Dù vui nhưng ông vẫn không quên nhắc nhở: “Thành tích đã tốt như vậy rồi nhưng vẫn phải luôn nhớ mình làm công tác BHXH, phải như phục vụ ông bà, cha mẹ mình, phục vụ người thân của mình”.

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, tinh thần phục vụ của ông đã và đang được các thế hệ cán bộ BHXH Việt Nam tiếp nối, đó chính là việc chuyển đổi tác phong từ hành chính sang phục vụ. Mặc dù đã bước sang tuổi 84, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn rất minh mẫn, nhiệt huyết với tinh thần lo cho dân, cho NLĐ. “Tôi suy nghĩ như này, dù có công tác ở bất kỳ ngành nào, nhất là ngành mới như BHXH, muốn thành công phải do yếu tố con người. Tôi muốn khuyên các thế hệ CCVC BHXH Việt Nam sau này rằng, BHXH gắn bó với con người chặt chẽ lắm; BHYT cũng đã đi vào từng ngóc ngách đời sống nhưng phải tính đến việc bao phủ vững chắc chứ không vội được. Tiếp đến là phải tiếp tục cải cách về tuổi nghỉ hưu, nhất là khi các nước đã đi trước ta rất nhiều”- ông Hồ Tế chia sẻ.

Nhắc về ngày thành lập BHXH Việt Nam, ông Hồ Tế lại bồi hồi xúc động: Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập, chúc mừng BHXH Việt Nam đã vượt qua những gian khó, từng bước phát triển vững chắc để khẳng định vị thế của mình. Nhân đây, tôi cũng mong muốn toàn thể CCVC trong Ngành cần phải có cái tâm, tinh thần trách nhiệm với công việc; phải xác định công việc mình đang làm gắn liền với đời sống của quần chúng nhân dân, từ đó thường xuyên rèn luyện, cập nhật những tiến bộ xã hội và khoa học công nghệ, nhằm bổ sung thêm kiến thức nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Quang Hùng