Print

Nhớ thời... thủ công

Thứ Sáu, 14 /02/2020 19:39

“Việc giải quyết các chế độ hoàn toàn thủ công được ngành BHXH thực hiện trong gần 4 năm. Đến ngày 24/6/1999, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 1584 với những thay đổi cơ bản trong giải quyết các chế độ, nhất là sau khi có Luật BHXH, thì quy trình mới được chặt chẽ hơn, đặc biệt CNTT từng bước được áp dụng rộng rãi, không còn phải giải quyết theo phương thức thủ công nữa…”- đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hùng Cường- nguyên Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), người có nhiều năm gắn bó với Ngành.

Khó khăn ngày ấy…

Đối với những CCVC công tác trong ngành BHXH những năm đầu thành lập, có lẽ không ai quên được hình ảnh đều đặn mỗi tháng BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước lại chuyển những kiện lớn hồ sơ giải quyết chế độ, chính sách của NLĐ về địa điểm 61E Đê La Thành (cạnh cổng BV Nhi Trung ương), để BHXH Việt Nam thẩm định lại và đóng dấu giáp lai, sau đó chuyển về để BHXH các địa phương lập hồ sơ tham gia BHXH cho NLĐ…

Việc cấp sổ, giải quyết chính sách trong những năm đầu đều được thực hiện thủ công

Chia sẻ về những kỷ niệm, khó khăn ngày ấy, ông Nguyễn Hùng Cường còn nhớ như in: “Căn cứ tình hình thực tế khi đó, để việc giải quyết chế độ BHXH đảm bảo đầy đủ, chính xác, BHXH Việt Nam quy định phải thẩm định lại tất cả hồ sơ hưởng hưu trí, TNLĐ-BNN, tử tuất (cả hàng tháng và một lần-PV) do BHXH các tỉnh giải quyết. Như vậy, hàng tháng, cán bộ của BHXH Việt Nam phải từ Hà Nội vào tận TP.HCM để thực hiện nhiệm vụ và cán bộ BHXH các tỉnh phải đem hồ sơ về Hà Nội (ở các tỉnh phía Bắc) và TP.HCM (ở các tỉnh phía Nam) để thẩm định. Tuy nhiên, trong thời gian này, do phương tiện công tại cơ quan còn hạn chế, nên đa số cán bộ phải đi lại bằng tàu hoả, xe khách nên rất vất vả. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ làm công tác giải quyết chế độ BHXH quá ít, nên áp lực công việc rất cao…”.

Cũng theo ông Cường, ngày đó đa số trụ sở BHXH các địa phương phải đi thuê nên rất chật chội, thiếu ánh sáng; phương tiện phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ thiếu thốn (mỗi ban nghiệp vụ ở BHXH Việt Nam và mỗi tỉnh chỉ được trang bị một bộ máy vi tính và một máy photocopy); chất lượng in ấn không tốt nên nhiều hồ sơ hưởng BHXH bị nhoè, rất khó đọc… Vì vậy, để đảm bảo cho công tác thẩm định, BHXH Việt Nam phải trang bị cả… kính lúp cho cán bộ thẩm định. Đặc biệt, BHXH nhiều tỉnh không thể mua được máy dập số nhảy (loại 12 số) để đóng số sổ hưởng BHXH…

“Ngoài việc thực hiện chế độ BHXH theo quy định của Điều lệ BHXH, thời gian này còn phải giải quyết các hồ sơ hưởng còn tồn tại từ các năm trước, mà đa số các giấy tờ bị thiếu, rách nát… Đến cuối năm 1999, cơ bản đã giải quyết xong cho 42.000 hồ sơ, trong đó có 8.000 hồ sơ hưởng hàng tháng. Đây là khối lượng khá lớn và phức tạp, cần tập trung cán bộ giỏi chuyên môn và tốn nhiều thời gian…”- ông Cường nhớ lại.

Tuy nhiên, sự quan tâm của các cấp, các ngành, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ đã giúp ngành BHXH đảm bảo chất lượng giải quyết hồ sơ bằng phương pháp thủ công. Ngoài ra, do số người tham gia BHXH giai đoạn này còn ít, nên số người hưởng chế độ BHXH hàng năm chưa nhiều, chỉ bằng trên 10% so với hiện nay (5 năm đầu giải quyết 42.000 hồ sơ hưu trí, 48.000 hồ sơ tuất hàng tháng, 5.000 hồ sơ TNLĐ-BNN hàng tháng và 310.000 hồ sơ hưởng các chế độ một lần) nên việc giải quyết bằng thủ công còn có thể thực hiện được.

“Diện mạo” mới

Trao đổi với ông Cường, chúng tôi cảm nhận, năng lượng, sự nhiệt huyết, tận tâm đối với công tác thực hiện chế độ, chính sách BHXH dường như chưa bao giờ “nguội” đi trong ông. “Với những nội dung quy định của pháp luật về BHXH hiện nay, theo tôi, cơ bản đã đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ, phù hợp với thực tế kinh tế- xã hội, có tham khảo những điểm phù hợp, tiến bộ có thể áp dụng với nước ta của một số nước trên thế giới; khắc phục cơ bản những tồn tại, khiếm khuyết của chính sách BHXH trước đây, đảm bảo khá đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, góp phần to lớn trong thực hiện ASXH của đất nước…”- ông Cường khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Cường, trong tương lai, nhất là với tình trạng già hoá dân số, thì việc sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH cho phù hợp thực tế là hết sức cần thiết. Trong đó, tập trung vào xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng tới BHXH toàn dân; từng bước có chính sách phù hợp mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, cần nghiên cứu để quỹ BHXH đảm bảo tính bền vững cũng như hoàn thiện trình tự, thủ tục thực hiện BHXH phù hợp với tiến trình phát triển CNTT, đảm bảo thuận tiện tối đa cho các bên tham gia BHXH.

“Theo tôi, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện chế độ, chính sách BHXH, trong tương lai, ngành BHXH cần đánh giá về trình tự, thủ tục giải quyết chế độ BHXH hiện hành để đề nghị sửa đổi, bổ sung trong quy định chính sách BHXH. Tiếp tục hoàn thiện CSDL người tham gia BHXH đảm bảo đầy đủ, chính xác. Từng bước tập trung giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, TNLĐ-BNN một cách hiệu quả…”- ông Cường bày tỏ.

Lê An