Print

Cảnh giác chiêu trò bất ngờ đóng BHXH cao “chót vót” để trục lợi thai sản

Thứ Tư, 07 /10/2020 11:21

Khi mang thai, nhiều chủ DN hoặc người thân bèn nghĩ ra cách bất ngờ đóng BHXH cao “chót vót” với mục đích hưởng chế độ thai sản cao, nhưng quá trình làm việc hầu hết là khai báo khống. Những cách làm khuất tất, không phù hợp pháp luật nhằm trục lợi chế độ này đã vừa bị BHXH quận Gò Vấp, TP.HCM vạch rõ và kịp thời ngăn chặn…

Sáng 7/10, tại Trụ sở BHXH quận Gò Vấp ông Trần M.T, là đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV T.T, phường 17, quận Gò Vấp phải thừa nhận quá trình tham gia BHXH cho “nhân viên” của mình là bà H (cũng chính là vợ ông) là không phù hợp quy định pháp luật.

Ông Hồ Hải Luận rà soát hồ sơ trục lợi thai sản

Trước đó, vào cuối năm 2019, khi biết mình mang thai hơn 2 tháng, bà H đã đến BHXH quận Gò Vấp làm thủ tục tăng mức đóng BHXH bất thường từ mức lương làm căn cứ đóng là 4,2 triệu đồng lên mức… 20 triệu đồng. Đóng được đúng 6 tháng bà H ngưng đóng và làm thủ tục hưởng chế độ thai sản sau khi sinh.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ thai sản của bà H đóng tại Công ty TNHH MTV T.T, ông Hồ Hải Luận – Giám đốc BHXH quận Gò Vấp nhận định, có rất nhiều điểm bất thường cần phải làm rõ. Thứ nhất, các trường hợp hồ sơ thai sản mà cứ đến thời điểm mang thai NLĐ nữ bỗng nhiên đăng ký đóng BHXH cao bất thường so với trước đó đều được cơ quan BHXH đưa vào “tầm ngắm” để rà soát kỹ lưỡng, nhằm tránh tình trạng trục lợi. Thứ hai, trường hợp bà H cả công ty chỉ có mình bà đóng BHXH, kiểm tra sâu thì phát hiện bà cũng chính là chủ DN này nhưng chồng bà đứng tên (đây là cách thức trước đây nhiều DN tư nhân đã áp dụng)…

Để làm rõ, BHXH quận Gò Vấp chủ động liên hệ qua điện thoại đề nghị xác minh làm rõ một số vấn đề nhưng bà H từ chối, đồng thời cho rằng hồ sơ đã hợp lệ và yêu cầu cơ quan BHXH phải chi trả chế độ cho NLĐ. BHXH quận cử người đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của DN, ghi nhận việc có gắn bảng lô gô tên DN nhưng bên trong không có ai làm việc. Sau khi nhờ Chi Cục trưởng Chi cục Thuế Gò Vấp hỗ trợ rà soát thì phát hiện phía DN không phát sinh doanh thu, chi phí thuế GTGT, không khai báo thuế TNDN, TNCN… BHXH quận cũng nhờ Phòng Kinh tế quận xác minh tại công an địa bàn về hoạt động của DN thì không có bất cứ hoạt động nào.

Trước những bằng chứng liên quan và qua phân tích có tình có lý của đại diện BHXH quận Gò Vấp, sau đó đại diện pháp luật DN, cũng là chồng bà H, phải thừa nhận việc hưởng chế độ thai sản trên mức đóng 20 triệu đồng/tháng của bà H là không đúng các quy định pháp luật khác liên quan như Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động. Về hướng xử lý, cơ quan BHXH sẽ hoàn trả số tiền đã đóng này cho bà H, bà H vẫn được nhận trợ cấp thai sản nhưng ở mức căn cứ 4,2 triệu đồng (vì bà H có đủ 6 tháng đóng BHXH hợp lệ trong thời gian 12 tháng trước khi sinh ở mức này).

Theo ông Hồ Hải Luận, những vụ việc kiểu này cần xử lý linh động, khéo léo, sao cho vừa đảm bảo Quỹ BHXH chi trả đúng quy định, vừa giúp NLĐ hiểu vấn đề và đồng thuận. Bởi lẽ, vướng mắc ở chỗ, dù cơ quan BHXH phát hiện ra dấu hiệu không phù hợp pháp luật hay vi phạm ban đầu nhưng thời điểm này cơ quan công an chưa thụ lý hồ sơ. Chỉ khi NLĐ đã được cơ quan BHXH chi trả chế độ thai sản, tức đã có việc thụ hưởng, thì cơ quan công an mới tiếp nhận. Thế nhưng, nếu cơ quan BHXH vẫn chi trả cho NLĐ rồi sau đó mới đề nghị cơ quan công an vào cuộc theo trình tự thì quá trình thu hồi số tiền đã chi trả vô cùng gian nan, Quỹ BHXH sẽ bị thất thoát.

Theo nhận định của nhiều luật sư tại TP.HCM, với việc thành lập và quản lý DN còn khá “thoáng” như hiện nay thì việc lợi dụng để trục lợi chế độ thai sản sẽ còn tiếp diễn do số tiền thu được khá cao. Ví dụ như trường hợp trên, giả sử công ty đóng BHXH cho NLĐ trên mức căn cứ 20 triệu đồng/tháng, thì khi giải quyết chế độ hưởng thai sản, NLĐ sẽ được nhận 20 triệu X 6 tháng = 120 triệu đồng. Trong khi trước đó, NLĐ chỉ đóng 32% BHXH, BHYT (cả phần của NSDLĐ và NLĐ vào khoảng 40 triệu đồng). Vậy, khi hoàn tất thủ tục, trừ đi chi phí đã đóng cho cơ quan BHXH, NLĐ vẫn còn “lời” đến gần 80 triệu đồng. Đó là chưa kể sau đó họ sẽ được lãnh thêm khoản trợ cấp một lần khi sinh bằng 2 tháng lương cơ sở, tiền dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% lương cơ sở. Đặc biệt, sau 1 năm sẽ được “tận thu” thêm khoản trợ cấp BHXH một lần, mức lãnh là 2 tháng lương nữa.

Đây là “bài toán” hết sức đơn giản mà bất cứ người nào có chút kiến thức pháp luật đều có thể nhận ra. Đáng nói, theo BHXH nhiều tỉnh và quận, huyện, nếu DN được thành lập hợp pháp, các hồ sơ họ làm chặt chẽ, hợp lệ thì cơ quan BHXH phải chi trả cho NLĐ, dù dấu hiệu trục lợi được nhìn thấy khá rõ!

Để ngăn chặn, ông Hồ Hải Luận cho rằng việc phối hợp với Chi cục Thuế và Phòng kinh tế quận, huyện là rất quan trọng. Qua đó, giúp cơ quan BHXH có thể rà soát, đối chiếu nhằm chứng mình các bất hợp lý cũng như vi phạm của DN và NLĐ khi trục lợi chế độ thai sản.

Phạm Thọ