Print

Về Phù Lãng, thăm làng gốm cổ

Thứ Sáu, 09 /10/2020 13:23

Nằm bên bờ sông Cầu của vùng quê Kinh Bắc, Phù Lãng (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là một trong số những làng gốm nổi tiếng của miền Bắc gần nghìn năm tuổi còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Gốm của làng Phù Lãng thường tập trung vào 3 dòng sản phẩm chính là gốm gia dụng, gốm trang trí và gốm dùng trong hoạt động tín ngưỡng như tượng Phật, lư hương và các đồ thờ cúng. Khác với những nơi khác, sản phẩm gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật ở đây sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc nhưng chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.

Người làm nghề ở làng cho biết, nguyên liệu đất để làm gốm ở đây không được lấy trực tiếp trong làng mà được vận chuyển từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) dọc theo con sông Cầu về. Chất đất ở đây được sử dụng vì có độ dẻo cao. Đất sau khi được chọn sẽ phơi cho bạc màu, trộn lẫn, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho vào nước, sau đó xéo tròn, nề đất, lọc sạn, phá cho tới khi đất nhuyễn mịn.

Trước khi chuốt, đất phải được xéo hàng chục lần. Thông thường, sẽ có 3 người phụ trách từng công đoạn, một người chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay và một người chạy ngoài. Khi thành phẩm đã lên khuôn hình sẽ được đợi cho se dần, đến khi sờ tay không thấy dính thì sẽ được người thợ tiến hành thúng, đấm, thúc bên trong.

Các công đoạn sau đó chủ yếu làm cho sản phẩm nhẵn bề mặt, trám các vết xước, vết nứt và gọt phần thừa cho tròn trịa, sau đó được tráng một lớp men. Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng, vôi sống, vôi ống nghiền nát, bùn phù sa trắng. Khi sản phẩm đã se mặt, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài một lớp mỏng hỗn hợp men ấy rồi đem phơi. Tất cả các sản phẩm đã được quét men và phơi khô đều có màu trắng đục.Lúc này, gốm được xếp thành từng chồng để đưa vào lò nung.

Nhiệt độ lò nung phải đạt đến 1.000 độ C, như vậy lớp da ngoài mới đanh mặt, nhẵn bóng và chắc. Sản phẩm gốm được nung liền 3 ngày 3 đêm, lượng nhiệt trong lò cũng phải được điều chỉnh tăng dần đến ngày thứ hai khi chín gốm, rồi từ từ giảm. Đến ngày cuối cùng, gốm được để nguội, lấy ra khỏi lò và phân loại. Gốm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn óng hoặc màu cánh gián, gõ vào phải có tiếng vang.

Trải qua nhiều thăng trầm, gốm Phù Lãng đã có lúc tưởng chừng bị quên lãng, không còn nhiều người trong làng theo nghề. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhờ bắt nhịp được với thị hiếu của thị trường, người làng Phù Lãng đã tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của làng nghề, đó chính là việc phát triển dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ. Nhờ đó, sinh kế của người dân nơi đây dần ổn định trở lại, góp phần bảo tồn và lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Kinh Bắc xưa.

Ngọc Nguyễn