Print

Nhà văn Văn Lê: Khúc ca Long thành còn vang mãi

Thứ Ba, 13 /10/2020 18:20

Cách đây 10 năm, nhà văn Văn Lê ghi dấu ấn với kịch bản “Long thành cầm giả ca” đoạt giải nhất trong cuộc thi viết về 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Kịch bản sau đó được dựng thành phim cùng tên gây được tiếng vang, là một trong những bộ phim lịch sử mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Năm 2020 này, Văn Lê lại một lần nữa làm “dậy sóng” văn đàn với tiểu thuyết “Cống nhân”. Đáng tiếc, đây lại là tiểu thuyết cuối cùng của ông. Con người tài hoa ấy đã ra đi, chỉ còn những khúc ca vẫn còn vọng mãi trong trái tim độc giả, những ngưởi yêu mến ông!

Người nghệ sĩ đa tài

Nhà văn Văn Lê tên thật là Lê Chí Thuỵ, sinh ngày 2/3/1949, quê ở Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình. Ông sớm đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường B2 năm 1967. Cuộc sống chiến đấu đã cho ông những kinh nghiệm quý báu, những chất liệu dồi dào, đa dạng cho các tác phẩm nghệ thuật sau này. Năm 1974, ông về Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Sau 1975, ông công tác ở tuần báo Văn nghệ Giải phóng, tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1977, ông tái ngũ chiến đấu ở Mặt trận 479, Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng cho tới năm 2010 nghỉ hưu.

Văn Lê là con người đa tài, xuất thân nhà thơ, rồi chuyển sang viết văn, viết kịch bản và đạo diễn phim. Ở lĩnh vực nào, ông cũng đạt nhiều thành tựu. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông xuất bản 3 tập thơ, 2 trường ca, 5 tập truyện và 12 tiểu thuyết. Đây là gia tài đồ sộ mà không phải cây bút nào cũng có được. Nhắc đến Văn Lê, độc giả không thể không nhắc đến các tác phẩm tiêu biểu như “Một miền đất, những con người” (tập thơ, 1976); “Bão đen” (truyện, 1980); “Đồng dao thời chiến tranh” (tiểu thuyết, 1999); “Phải lòng” (tập thơ, 1994); “Vé trở về” (tập thơ, 2013); “Thần thuyết của người chim” (tiểu thuyết, 2014); “Phượng hoàng” (tiểu thuyết, 2014)...

Tài năng của ông không chỉ được ghi dấu bằng những tác phẩm với những giải thưởng mà còn bằng sự yêu mến, trân quý những cống hiến cho nghệ thuật. Trong lĩnh vực văn học, Văn Lê từng nhận nhiều giải thưởng như: Giải A cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (1975-1976); giải B thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984; giải A thơ về đề tài Chiến tranh Cách mạng, Hội Nhà văn Việt Nam 1994, với tập thơ Phải lòng. Ông còn được tặng thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1994 với tiểu thuyết “Nếu anh còn được sống”. Tập trường ca “Những cánh đồng dưới lửa” nhận Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1999; Giải thưởng Văn học Quốc tế Mekong 2006.

Tiểu thuyết “Mùa Hè giá buốt” được trao giải B (không có giải A) về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng (2004-2009). Ông cũng giành giải nhất Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ I (2006-2011). Tiểu thuyết “Phượng hoàng” của ông nhận giải A về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 5 năm (2009-2014) và giải nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ II (2012-2017).

Không chỉ trong văn chương, ở lĩnh vực điện ảnh, ông cũng gặt hái không ít thành công. Tiêu biểu phải kể đến như kịch bản cho phim tài liệu “Đám mây không dừng lại” đoạt Cánh Diều Vàng 2008, kịch bản phim “Long thành cầm giả ca” đoạt Cánh Diều Vàng 2012. “Long thành cầm giả ca” cũng là bộ phim tiêu biểu dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, một bộ phim mà chất hào hoa của người quân tử thành Thăng Long được khắc họa đậm nét cũng như đặc sắc của văn hóa đất Kinh kỳ xưa với lối hát ả đào… Ngoài giải thưởng về kịch bản phim, Văn Lê còn có giải thưởng đạo diễn xuất sắc, một giải Bông sen vàng, 5 Bông sen bạc, một giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản…

Tiểu thuyết cuối cùng

Tháng 6/2020, cuốn tiểu thuyết lịch sử “Cống nhân” của nhà văn Văn Lê ra mắt độc giả, do NXB Văn hóa- Văn nghệ TP.HCM phát hành. Đây là cuốn tiểu thuyết mà Văn Lê đã cầm bút với nhiệt tâm sôi nổi, lấy cảm hứng từ lịch sử đời Trần, giai đoạn nhà Trần suy vi đang đứng trước nguy cơ rơi vào tay Hồ Quý Ly. Thế nhưng, đáng tiếc, đây cũng là cuốn sách cuối cùng của Văn Lê khi ông đột ngột ra đi trong ngày đầu tháng 9 này, để lại niềm tiếc thương cho người thân, bạn bè và những người yêu mến tài năng của ông.

Ngooài “Cống nhân”, trước đó, nhà văn Văn Lê cũng giới thiệu tới công chúng một tiểu thuyết khác mang tên “Phượng hoàng”. Tác phẩm này vừa được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM lần 2 (5 năm một lần) năm 2019. Đây là tác phẩm về đề tài chiến tranh, được Văn Lê ấp ủ nhiều năm hậu chiến mới chấp bút.

Với tác phẩm cuối cùng “Cống nhân”, tiểu thuyết là câu chuyện về lịch sử mang nhiều ý nghĩa mà Văn Lê đã dành không ít tâm sức. “Cống nhân” viết về số phận đầy sóng gió của 2 cha con Hoàng giáp Đại sư Tuệ Quang, một vị thiền sư, một lương y tài năng. Người vợ yêu quý của ngài mất sớm, ngài xuất gia. Sau lần bất ngờ gặp lại người vợ đã mất- đã trở thành một mỹ nhân ngư- ít lâu sau, một bé gái được gửi đến chùa cho Tuệ Quang. Tin chắc đó là con gái ngài với người vợ đã mất, ngài đặt tên Duyên cho cô bé. Khi Duyên đã lớn thành một thiếu nữ xinh đẹp, cha con Tuệ Quang cùng nhiều người dân khác bị cống nạp cho người Bắc phương.

Trong một lần được trở về cố hương, đi ngang qua Chiết Giang, nhìn thấy bà con nơi đây bị bệnh đậu mùa, ông quyết định ở lại chữa trị. Cuối cùng, ông kiệt sức và qua đời, không kịp trở lại quê nhà. Trước lúc lâm chung, ông nói với xã trưởng: “Nếu có ai ở An Nam sang thì cho tôi về theo với”.

Khi con gái Thị Duyên biết chuyện, cô lại không muốn đưa xác cha về. Cô nói: “Cứ để nguyên hài cốt ông nằm đó cho người muôn đời sau nhìn thấy mà chiêm nghiệm. Người Đại Việt hậu thế đi qua đây sẽ tìm thấy trên tấm bia lời nhắn gửi của Đại sư về thân phận của người dân bị mất nước, bị lệ thuộc. Qua tấm bia, người Hoa Hạ cũng hiểu được sức mạnh tiềm ẩn và tình yêu quê hương cháy bỏng đến tận cùng của người Đại Việt”.

Nhà văn Văn Lê từng chia sẻ: “Tôi muốn gửi gắm tinh thần cao thượng của một lương y đã bay trên tất cả sự thù hằn, tinh thần kiên cường bất khuất của người Đại Việt xưa. Dù đất nước có lúc hưng thịnh, lúc suy lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhưng luôn mang trong tim mình tinh thần của một người con nước Việt”.

Thông điệp này đã được nhà văn Văn Lê gửi gắm trong “Cống nhân”. Những tìm tòi cứ liệu lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán đời Trần một cách cặn kẽ, cộng với những kinh nghiệm phong phú, những hiểu biết về Đông dược của tác giả đã giúp cho tác phẩm thực sự chân thực, sống động. Nhà văn cũng rất chú trọng tìm hiểu để có thể sử dụng ngôn ngữ phù hợp thời đại trong tác phẩm. Các nhà nghiên cứu đánh giá, “Cống nhân” xứng đáng là một tác phẩm để đời của Văn Lê, nhiều tiềm năng vươn xa, trở thành một khúc sử ca Việt như tiếng ngân vang của “Long thành cầm giả ca”. Văn Lê dù đã trở về với thiên thu thì tác phẩm của ông vẫn ở lại, trong trái tim mỗi người.

Hương Xuân