Print

Việt Nam: Chính sách việc làm ngày càng hoàn thiện

Thứ Sáu, 16 /10/2020 10:18

Việc làm là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu việc làm bền vững và tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người trong xã hội. Giải quyết việc làm cũng là tiền đề sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập.

Quy định pháp luật đầy đủ

Từ những năm 1990, Việt Nam đã thể chế hoá nhiều nội dung về việc làm bằng Hiến pháp, các đạo luật và nhiều văn bản pháp luật khác. Điều 55 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002) khẳng định: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho NLĐ”.

Tiếp đó, Bộ luật Lao động năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002, năm 2006 và năm 2007) đã dành riêng 1 Chương về Việc làm với các quy định cụ thể về chỉ tiêu tạo việc làm, Chương trình quốc gia về việc làm, Quỹ Quốc gia về việc làm… và một số quy định cụ thể liên quan đến quyền có việc làm của NLĐ; các quy định về trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, các chính sách hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm; các quy định liên quan đến hoạt động giới thiệu việc làm và tổ chức giới thiệu việc làm…

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Luật BHXH, Luật Dạy nghề, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...; Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật DN, Luật HTX... trong đó có những quy định về giải quyết việc làm, đẩy mạnh tạo việc làm gắn với quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời chủ động sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện theo hướng thị trường, phù hợp dần với bối cảnh hội nhập quốc tế.

Song song với đó, nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước được ban hành và thực thi như: huy động nguồn vốn đầu tư phát triển, đẩy mạnh phát triển kinh tế tạo nhiều việc làm; lập Quỹ Quốc gia về việc làm (từ năm 1992) để cho vay vốn tạo việc làm với lãi suất ưu đãi theo các dự án nhỏ; hình thành Quỹ Giải quyết việc làm địa phương; hình thành và phát triển hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm, nay là các Trung tâm giới thiệu việc làm và các cơ sở đào tạo nghề xã hội; phát triển nhiều hình thức, mô hình tổ chức giải quyết việc làm phong phú, đa dạng; quan tâm đến hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia nhằm giải quyết việc làm với thu nhập cao, đồng thời nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp cho NLĐ... Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tạo việc làm cho NLĐ, huy động được mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bước đầu chuyển đổi cơ cấu và chất lượng lao động theo hướng tích cực.

Việc làm là một vấn đề cấp thiết, giải quyết việc làm cho NLĐ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách kinh tế- xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam giai đoạn 2001- 2010 nêu rõ: “Giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân”. Từ năm 2006 đến nay, việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội đã góp phần tích cực giảm sức ép việc làm trong nước, tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, chiếm hơn 70% số việc làm được tạo ra hàng năm.

Tạo nhiều việc làm cho NLĐ

Những năm qua, tình hình kinh tế- xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động mạnh. Tuy nhiên Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng xã hội, quy mô kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. Cùng với đó, Quỹ Quốc gia về việc làm tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho NLĐ thông qua việc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với NLĐ và cơ sở sản xuất kinh doanh (DN NVV, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh). Hàng năm, Quỹ đã hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động…

Song song với đẩy mạnh tạo việc làm trong nước, Việt Nam cũng tích cực đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hằng năm, Việt Nam đưa được từ 100.000- 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu tại các thị trường như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... trong đó 70% là lao động trẻ trong độ tuổi từ 18- 30 tuổi, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Ngoài ra, sau hơn 12 năm triển khai thực hiện chính sách BH thất nghiệp, đến nay cả nước có trên 13,5 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng triệu lượt người; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, chú trọng tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, tạo cơ hội cho NLĐ, chủ yếu là thanh niên tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp…

Kết nối hiệu quả cung- cầu lao động

Hệ thống dịch vụ việc làm được phát triển từ năm 1992 qua Chương trình việc làm quốc gia theo Nghị quyết số 120/1992/NQ-HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã tạo môi trường pháp lý phát triển dịch vụ kết nối cung- cầu về lao động, tăng cường cơ hội để NLĐ tiếp cận thông tin về việc làm, lựa chọn công việc.

Đặc biệt, với việc sửa Điều 18 của Bộ luật Lao động năm 1995; ban hành Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/5/2005 và Nghị định số 71/2008/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho dịch vụ việc làm. Cùng với các trung tâm giới thiệu việc làm công lập, các DN cũng được phép hoạt động giới thiệu việc làm, kể cả sự tham gia của các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thực hiện các chương trình hỗ trợ di cư đến các vùng kinh tế mới; hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư đối với đồng bào DTTS (Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg); chương trình di dân gắn với xóa đói giảm nghèo (thuộc nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006- 2010). Các chương trình di dân đã đáp ứng một phần về tái phân bổ nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng, góp phần ổn định đời sống cho đồng bào DTTS và bảo vệ an ninh quốc phòng.

Các quy định về cư trú, đăng ký hộ khẩu tại các khu đô thị, các thành phố lớn ngày càng thông thoáng. Luật Cư trú (năm 2007) đã mở rộng quyền cư trú của công dân, giúp cho việc di chuyển lao động dễ dàng hơn. Các chính sách phát triển đô thị, các KCN, KCX, các vùng kinh tế trọng điểm... cũng có tác động kích thích di chuyển lao động, nhất là di chuyển nông thôn- đô thị, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao điều kiện về việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn.

Nhiều chương trình hỗ trợ khác được triển khai trong thời kỳ suy giảm kinh tế từ 2007 đến nay nhằm giúp cho nhiều DN, các hộ sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì sản xuất, trả lương và đóng BHXH cho NLĐ. Ngoài ra, còn có các biện pháp hỗ trợ như khuyến khích xuất khẩu, ứng trước kế hoạch đầu tư NSNN của các năm sau... đã tác động trực tiếp tới vấn đề duy trì việc làm và thu nhập cho NLĐ trong bối cảnh suy giảm kinh tế, người mất việc làm gia tăng. Đặc biệt, Nhà nước đã hình thành một hệ thống chính sách thúc đẩy việc làm ngoài nước, xây dựng các chương trình trọn gói từ đào tạo, cho vay vốn để hỗ trợ NLĐ khi về nước, đặc biệt là NLĐ thuộc hộ nghèo.

Tiếp tục đẩy mạnh tạo việc làm

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá, các chính sách về việc làm của Việt Nam còn chưa thực sự bền vững, thiếu các chính sách về việc làm ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn; chính sách tiền lương chưa phù hợp, chưa tạo sự bình đẳng giữa các loại hình DN; phạm vi bao phủ của các chính sách BHXH, BH thất nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định, bền vững trong việc làm và hiệu quả tạo việc làm còn thấp, đặc biệt là đối với thanh niên trong độ tuổi từ 19- 24; lao động nông thôn, nhất là lao động nữ lớn tuổi gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi việc làm; chất lượng việc làm của nhóm lao động yếu thế thấp; tình trạng mất cân đối cung- cầu lao động cục bộ diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề đặt ra trong quản lý việc làm như lao động lớn tuổi, lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và KCN tìm kiếm việc làm.

Bên cạnh đó, mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, BH thất nghiệp đến năm 2020 còn nhiều khó khăn do tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp. Các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho người thất nghiệp chưa hấp dẫn, tỷ lệ người thất nghiệp học nghề thấp; việc kiểm tra, rà soát tình trạng việc làm của NLĐ hạn chế… Mặt khác, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước; hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin về cung- cầu lao động.

Thanh Nghị