Print

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga: Con nhà nông và cơ duyên với chính trị

Thứ Sáu, 16 /10/2020 12:27

Vượt qua 2 đối thủ nặng ký, ông Yoshihide Suga đã thắng áp đảo trong cuộc đua giành chiếc ghế Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền hôm 14/9 và lên thay “sếp” Abe Shinzo ở vị trí Thủ tướng Nhật Bản.

Sinh ngày 6/12/1948 tại làng Akinomiya, nay thuộc thành phố Yuzawa, tỉnh Akita, Yoshihide Suga xuất thân trong một gia đình nông dân trồng dâu. Ông là con trai cả trong gia đình, có 2 chị gái và một em trai.

Bố của Suga đã thành công trong việc nhân giống dâu có chất lượng cao và từng là Chủ tịch công đoàn HTX dâu Yuzawa. Cụ mất năm 2010 ở tuổi 93.

Giấc mơ đổi đời...

Sau khi tốt nghiệp PTTH, Yoshihide Suga đã nuôi giấc mơ đổi đời bằng con đường học hành ở Tokyo. Ban đầu, cậu đi làm thêm buổi sáng tại chợ cá nổi tiếng Tsukiji, còn buổi chiều tại quán ăn uống ở Shinjuku. Sau 2 năm trụ tại Tokyo, Suquga quyết tâm ôn thi và đỗ vào Khoa Luật trường ĐH Hosei.

Trong thời gian học ĐH, để có tiền sinh sống và đóng học phí, Suga vừa đi học rất chăm chỉ vừa làm thêm nhiều việc khác nhau, khi ở cửa hàng bán Curry, khi ở tạp chí xuất bản báo chí... Chàng SV trẻ cũng tích cực tham gia vào CLB Karate của trường. Năm 1973, Suga tốt nghiệp ĐH và làm việc tại Công ty CP thiết bị xây dựng. Chàng trai trẻ vùi mình vào những giờ làm việc tăng ca để mong có được cuộc sống khấm khá hơn.

Hai năm sau, Suga bắt đầu tham gia các hoạt động có xu hướng chính trị khi làm Thư ký cho Hạ nghị sĩ Hikosaburo Okonogi thuộc Đảng Tự do Dân chủ (LDP). Năm 1983, khi Okonogi trở thành Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Suga trở thành trợ lý cho vị bộ trưởng này.

Vào đời sớm và phải làm nhiều công việc lặt vặt để tự trang trải cuộc sống, Suga đã sớm nhận ra chính trị là thứ định hình và tác động đến toàn thế giới.

Do vậy năm 1987, ông quyết định ứng cử vào hội đồng thành phố ở Yokohama, tỉnh Kanagawa. Vì thiếu kinh nghiệm chính trị và uy tín cá nhân, ông đã bù đắp bằng tinh thần dũng cảm và làm việc hăng say. Có câu chuyện từ Đảng LDP kể rằng ông đã đến từng nhà để vận động, bao gồm 300 nhà mỗi ngày, và vận động tổng cộng 30.000 người. Suốt quá trình vận động bầu cử, Suga đi rách 6 đôi giày. Nỗ lực phi thường của ông đã được đền đáp: Suga thắng cử và phục vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

... đến đỉnh cao sự nghiệp

Năm 2006, ông Abe Shinzo ra tranh cử chức Thủ tướng Nhật Bản và giành thắng lợi. Tháng 9/2006, Suga lần đầu tiên được tham gia Nội các với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ Tư nhân hóa Bưu chính. Tháng 12 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ trách Nội các.

Năm 2007, ông hoạt động với tư cách Tổng Cục trưởng chính sách bầu cử Đảng LDP. Tháng 12/2012, khi ông Abe Shinzo trở thành Thủ tướng Nhật Bản lần thứ 2, ông Suga được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nội các. Trong nhiệm kỳ lần này, Thủ tướng Abe tiến hành cải cách Nội các 3 lần và vẫn giữ Suga ở nguyên vị trí, khiến ông trở thành Chánh văn phòng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Đảng LDP.

Ông Suga giữ vai trò là người phát ngôn hàng đầu và là cánh tay phải của Thủ tướng Abe Shinzo, cố vấn về các chính sách quan trọng cũng như thay đổi bộ máy hành chính có phần “cứng nhắc” của nước Nhật. Ông đã góp sức biến nhiều chính sách thành hiện thực và luôn tỏ ra bình tĩnh khi đối diện với công chúng trong những giờ phút khó khăn nhất của chính quyền.

Ngày 1/4/2019, ông Yoshihide Suga được Thủ tướng ủy quyền là người công bố thời khắc đổi Niên hiệu Bình Thành (Heisei) sang Lệnh Hòa (Reiwa). Hiện nay, người dân Nhật Bản vẫn hay gọi ông với cái tên trìu mến là “Ông Lệnh Hòa”.

Tháng 5/2019, ông Suga có chuyến công du Mỹ, gặp gỡ và hội đàm với nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của nước chủ nhà, trong đó có Tổng thống Donald Trump. Chuyến thăm này được đánh giá là đặc biệt góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước.

Cuối tháng 8 vừa qua, Abe Shinzo- Thủ tướng phục vụ lâu nhất của Nhật Bản thông báo từ chức do sức khỏe kém, kết thúc nhiệm kỳ gần 8 năm. Yoshihide Suga quyết định chạy đua vào vị trí này, tranh cử cùng Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida.

Trong thời gian làm Chánh văn phòng Nội các khoảng 7 năm 8 tháng, với tư cách là người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ, ông Suga đã tiến hành 3.213 cuộc họp báo bày tỏ những quan điểm, lập trường, quyết sách của Nhật Bản. Mỗi cuộc họp báo với ông là “cơ hội quý báu” và vào sáng 14/9/2020, ông tổ chức họp báo lần cuối với tư cách là Chánh văn phòng Nội các Nhật. 

Ở cương vị mới, Yoshihide Suga cam kết duy trì chính sách tiền tệ đang được biết đến với cái tên Abenomics- một di sản của người tiền nhiệm. Ông khẳng định sẽ mạnh tay hơn nếu cần thiết trong các vấn đề chính sách tiền tệ nhằm bảo vệ việc làm và các DN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành.

Về chính trị, ông Yoshihide Suga sử dụng quan hệ trong LDP, đảng đối tác liên minh Komeito và đảng đối lập bảo thủ Nippon Ishin no Kai để duy trì quyền lực cho chính quyền Abe. Ưu thế trung dung về mặt chính trị giúp ông tạo khác biệt ấn tượng với 2 đối thủ Shigeru Ishiba và Fumio Kishifa

Về đối ngoại, ông sẽ tiếp tục chính sách của Thủ tướng Abe là củng cố liên minh với Mỹ và cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Về đời tư, Yoshihide Suga là một chính khách không vướng tham nhũng, cũng không dính dáng những vụ việc tranh cãi hoặc gây mất uy tín. Ông đặc biệt chú trọng chăm sóc sức khỏe của bản thân.

Ở quê nhà Yuzawa, Yoshihide Suga được xem là niềm tự hào. Hình ảnh và tên của ông được in trên nhiều sản phẩm, ví dụ như áo phông, được bày bán nhiều tại các khu chợ của Yuzawa.

“Con đường sự nghiệp và xuất thân của Suga là niềm cảm hứng cho nhiều người. Ông ấy là một người tự lập. Tuy nhiên, khi trở thành tân Thủ tướng, ông Suga cũng phải đối mặt với vô vàn thách thức”- Brad Glosserman, chuyên gia kinh tế chính trị tại Nhật Bản nhận xét.

Hàng loạt vấn đề lớn như nợ công, già hóa dân số, bình đẳng giới, khôi phục kinh tế và kiểm soát dịch bệnh của Nhật Bản vẫn đang chờ ông Suga giải quyết trên cương vị Thủ tướng.

“Rất ít người Nhật thực sự biết nhiều về Suga. Ông ấy chủ yếu làm việc nơi hậu trường. Sự nổi tiếng của ông Suga đối với người dân Nhật Bản còn chưa nhiều và đó cũng là thách thức mà chưa chắc sự chăm chỉ đã bù đắp được”, Glosserman bình luận.

Có thể nói, bắt đầu từ số không, Yoshihide Suga đã trở thành Thủ tướng, chứng minh một điều có thực tại Nhật Bản, một nền văn hóa mà chính trị vốn coi trọng nguồn gốc xuất thân: Từ một người bình thường, nỗ lực hết sức và không ngừng nghỉ, trở thành Thủ tướng ở tuổi 71 là một điều phi thường. Và một người bình thường cũng có thể làm điều hết sức vĩ đại.

HD