Print

Tăng cường giải pháp chính sách để kiểm soát hiệu quả quỹ BHXH, BHYT

Thứ Sáu, 16 /10/2020 17:10

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Giải pháp về chính sách để kiểm soát hiệu quả quỹ BHYT và quỹ BHXH”.

Báo cáo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, BHYT hay chính xác hơn là BHYT xã hội là chính sách an sinh xã hội, một phương tiện cơ bản để thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là quỹ tài chính y tế công ngoài NSNN, sử dụng cho việc chi trả chi phí dịch vụ KCB mà người tham gia BHYT đã sử dụng theo quy định của pháp luật. Quỹ BHYT được hình thành từ nguồn đóng BHYT của người tham gia và các nguồn thu hợp pháp khác. Vì vậy, quỹ BHYT có tính chất chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng tham gia, chia sẻ giữa các khu vực kinh tế-xã hội khác nhau...

Tuy nhiên, từ năm 2016 bắt đầu mất cân đối thu-chi quỹ BHYT trong năm, phải sử dụng nguồn quỹ dự phòng từ các năm trước. Nguyên nhân mất cân đối thu-chi là do mức đóng BHYT không thay đổi trong nhiều năm, trong khi có sự điều chỉnh về phạm vi quyền lợi hưởng BHYT, về giá DVYT, nhu cầu KCB ngày càng cao do tình trạng già hóa dân số, do thay đổi mô hình bệnh tật, gia tăng các bệnh mạn tính không lây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ y học, điều kiện để tiếp cận DVYT ngày càng thuận tiện hơn…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc thực hiện giao dự toán chi đến từng cơ sở KCB xem như một giải pháp kỹ thuật mang tính tình thế, với mục đích tăng cường trách nhiệm trong sử dụng quỹ BHYT trong bối cảnh gia tăng chi phí KCB và mất cân đối thu-chi hàng năm. “Nhìn chung, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn luật để đảm bảo tính chặt chẽ về nguyên lý của BHYT, chức năng của quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Tuy nhiên, vẫn có một số bất cập, do những thay đổi và sự phát triển kinh tế-xã hội và đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước, quản lý hệ thống BHYT”- ông Thuấn nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Trần Văn Thuấn kiến nghị cần phân bổ quỹ KCB và quỹ dự phòng BHYT hợp lý (giới hạn số tiền nhất định cho quỹ dự phòng để tăng cho quỹ KCB BHYT); quy định quyền lợi về khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, quản lý sức khỏe (là một trong những giải pháp cơ bản để giảm chi phí sử dụng dịch vụ của BV); quy định các nguyên tắc và điều kiện để điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT; cơ chế mua sắm thuốc, VTYT do quỹ BHYT chi trả thực hiện BHYT bổ sung (quỹ BHYT bổ sung)...; tiếp tục các hoạt động thanh tra, kiểm tra, truyền thông về BHYT...

Để mang lại hiệu quả hơn cho các bệnh nhân và quỹ BHYT, ông Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, cần đẩy mạnh KCB ngoại trú, giúp cho bệnh nhân đỡ phải nằm viện nếu thực sự không cần tiết; giảm chi phí, công sức cho người nhà bệnh nhân. Đặc biệt, góp phần giảm tải bệnh nhân cho các BV tuyến trên, trong khi quỹ BHYT đỡ phải chi trả, nhất là chi tiền giường bệnh... Để thực hiện việc này, ông Trí cho rằng, ngành y tế cần xây dựng lại các phác đồ KCB một cách chuẩn xác, an toàn; các cơ sở y tế phải có đủ phòng khám, đội ngũ y bác sĩ giỏi; mở rộng mô hình KCB từ xa. Ngoài ra, các BV cần tổ chức thật tốt công tác quản lý các bệnh mạn tính không lây tại y tế cơ sở xã, phường như: Cao huyết áp, đái tháo đường, thalassemia, lơxêmi, thiếu máu huyết tán...

Cũng theo ông Nguyễn Anh Trí, lợi ích của quản lý các bệnh mạn tính không lây tại y tế cơ sở là bệnh nhân được quản lý gần nhà nhất, đúng phương châm “chăm sóc sức khỏe ban đầu”. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để y tế cơ sở có việc làm, phát triển được chuyên môn, sống được bằng nghề, hấp dẫn được các bác sĩ về làm việc; giảm chi từ quỹ BHYT cho nhóm các bệnh lý phải điều trị dài ngày... “Để đảm bảo hiệu quả quỹ BHYT, cần quyết liệt tổ chức và triển khai sâu rộng KCB theo hình thức “bác sĩ gia đình”, KCB từ xa, liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và các thăm dò chức năng”- ông Trí nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tiên- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, thực tế nhiều đối tượng tham gia BHYT càng làm gia tăng bội chi BHYT. Thế nhưng, những người có mức thu nhập cao lại không tham gia BHYT tại Việt Nam, mà tham gia BHYT của các tổ chức nước ngoài. Điều này gây áp lực lớn đến quỹ BHYT. Do đó, để đảm bảo an toàn quỹ BHYT, cần thiết đưa ra mức đóng BHYT, KCB ngoại trú, KCB theo hình thức “bác sĩ gia đình” và KCB từ xa vào trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng như có giải pháp hạn chế lạm dụng quỹ KCB BHYT.

Còn bà Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu quan điểm, cần làm rõ danh mục các loại bệnh, loại thuốc được hưởng BHYT. Ngoài ra, đến năm 2021 thực hiện thông tuyến cấp tỉnh thì liệu có gây áp lực quá tải bệnh nhân và thực hiện BHYT cho các BV tuyến trên hay không?... Theo bà Lịch, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các BV tuyến trên khi thực hiện thông tuyến…

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đánh giá cao ý kiến của các thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự vào việc kiểm soát quỹ BHYT hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện thêm vào các báo cáo. Qua đó, góp phần hoàn thiện hơn khi chỉnh sửa Luật BHYT; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; cũng như việc tự chủ tài chính y tế ở các BV và giải pháp KCB khi tiến tới BHYT toàn dân...

Theo kế hoạch, trong chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận về các giải pháp quản lý và sử dụng quỹ BHXH.

Nguyệt Hà