Print

Phát triển nhân lực kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Thứ Bảy, 17 /10/2020 15:55

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức giao lưu trực tuyến, với chủ đề “Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng, hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, về quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Để tranh thủ thời cơ dân số vàng và đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề cao, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đồng thời, cần tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN. Trên cơ sở đó, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Đánh giá về thực trạng thị trường lao động ở Việt Nam, ông Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng- lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 56 triệu người. Đây là nguồn lao động được đánh giá dồi dào, thông minh, chịu khó, thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại; là nguồn lực quan trọng trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa sâu rộng với thế giới.

Cũng theo ông Thắng, dù có lực lượng lao động đông, nhưng mới chỉ có hơn 1/5 (hơn 22% lực lượng lao động) được đào tạo có văn bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên; còn lại khoảng gần 4/5 lực lượng lao động chưa qua đào tạo. Việc đào tạo lực lượng lao động những năm gần đây có tiến bộ đáng kể, song chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn. DN khi tuyển dụng còn nhiều băn khoăn và cũng có phản ánh về trình độ tay nghề kỹ năng lao động, kể cả ý thức lao động. Các DN khi tuyển dụng lao động thường phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung...

“Việc đào tạo bổ sung cũng là tất yếu, vì mỗi DN có tiêu chí khác nhau, nhưng điều đó cũng phản ánh thực tế việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Rõ ràng, có nguồn lực dồi dào nhưng nếu không tận dụng tốt lực lượng lao động này, sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn dân số vàng và cơ hội không quay lại nữa. Trong giai đoạn hiện nay, khi việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên thế giới, nếu chúng ta đón bắt được sự dịch chuyển, nâng cao chất lượng mô hình lao động, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa ký một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì sẽ là một cơ hội vàng. Những hiệp định này vừa là cơ hội về cơ chế chính sách, vừa tận dụng được tốt nguồn nhân lực đang ở giai đoạn dân số vàng”- ông Thắng nhận định.

Ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, Việt Nam cần có quy hoạch dự báo nguồn nhân lực, gắn với việc đào tạo, GDNN. Bởi thực tế, trong GDNN và đào tạo bậc cao đẳng, đại học- do chưa có quy hoạch dự báo về nhu cầu nguồn lao động cũng như quy hoạch đào tạo nghề, dẫn đến nhà trường thường đào tạo theo khả năng vốn có, mà chưa gắn với nhu cầu thực tế của xã hội và thị trường.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Trương Anh Dũng- Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN chỉ rõ, Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ đã khắc phục được những khó khăn trong đào tạo nghề trước đây và việc triển khai các cơ chế chính sách cũng được đặt ra cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc đồng bộ triển khai Chỉ thị này. Hiện có khoảng 2.000 cơ sở GDNN, nhưng cần biết thị trường lao động trong 5-10 năm tới như thế nào; quy mô nhân lực qua đào tạo là bao nhiêu... từ đó thiết kế chuẩn đầu ra và chương trình; đồng thời phải gắn kết giữa nhà trường với DN...

Theo ông Dũng, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng thông tư quy định các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng các lao động có chứng chỉ bằng cấp qua hệ thống GDNN hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Trong đó, hướng tới 2 nhóm vấn đề như: Chuẩn hóa với yêu cầu của phát triển thị trường lao động trong nước, đồng thời hướng tới thị trường quốc tế; sắp xếp lại các mạng lưới, cơ sở GDNN đáp ứng yêu cầu đề ra.

“Trong 5 năm vừa qua, chúng tôi đã xây dựng được gần 300 bộ tiêu chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật và chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo. Những bộ tiêu chuẩn này có sự tham gia của DN, vì chính họ mới hiểu những yêu cầu về vị trí việc làm, về tiêu chuẩn đào tạo như thế nào và đặt hàng. Xây dựng hệ thống quản lý đánh giá kỹ năng nghề, rà soát lại, bổ sung các danh mục ngành nghề hiện nay còn thiếu so với thị trường lao động. Đồng thời, chúng tôi cũng triển khai thí điểm mô hình HĐQL kỹ năng nghề với sự tham gia của Hiệp hội DN, để xác định yêu cầu về tiêu chuẩn đào tạo, vị trí việc làm, kỹ năng nghề nghiệp mà NLĐ cần có…”- ông Dũng thông tin.

V.Thu