Print

Có một Quang Dũng- họa sĩ

Thứ Ba, 20 /10/2020 18:08

Nhắc tới nhà thơ Quang Dũng, chắc chắn không thể quên được những vần thơ khắc họa vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn của những người lính trong kháng chiến chống Pháp “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Nhưng chàng trai Hà Nội năm xưa ấy không chỉ có thơ mà còn có họa! Cuốn sách “Nhà thơ Quang Dũng- Người mang trong trắng đi tìm thanh cao” vừa được NXB Kim Đồng ấn hành sẽ cho người đọc thấy một Quang Dũng- họa sĩ.

Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh ngày 3/5/1919 (theo bản khai lí lịch gửi Hội Nhà văn Việt Nam) tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Sau khóa học tại trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây, ông làm Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn Tây Tiến rồi tham gia Đoàn Võ trang tuyên truyền biên khu Lào- Việt.

Thi phẩm nổi tiếng của ông- “Tây Tiến” (1949) được viết trong giai đoạn này, trở thành một trong những sáng tác nổi bật của văn học kháng chiến giai đoạn 1945-1954. Ngoài “Tây Tiến”, tên tuổi nhà thơ Quang Dũng còn gắn liền với các thi phẩm đi vào lòng người như “Mắt người Sơn Tây” với “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em đã bao ngày em nhớ thương?”; hay bài “Không đề” với “Em mãi là hai mươi tuổi/Ta mãi là mùa xanh xưa”…

Thành danh với vai trò nhà thơ nên không nhiều người biết rằng, Quang Dũng lại là một họa sĩ chính danh. Trong bản khai lý lịch ngày 12/4/1961, phần “làm việc gì” ông có ghi: “Họa sĩ thuộc ngành Hội họa, chi hội Văn nghệ Liên khu 3- năm 1952”. Tuy vậy, các tác phẩm hội họa của Quang Dũng thất lạc nhiều, đến nay chỉ còn lại vài chục tranh màu nước, phác thảo, ký họa… Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để người ta thấy được một góc khác trong con người ông- góc hội họa. Hiện vẫn chưa có tài liệu cụ thể về nơi Quang Dũng theo học mỹ thuật mà chỉ có thể phỏng đoán rằng: ông học vẽ thời phổ thông theo chương trình từ xa (Cours ABC de Dessins par correspondence-  gửi bài tập sang Pháp để chấm, sau đó nhận tiếp bài tập từ Pháp chuyển về, tiền học thanh toán bằng tem thư). Được biết, trong bối cảnh đất nước chiến tranh đầy gian khó, nhiều họa sĩ thành danh cũng học theo cách này, như họa sĩ Năng Hiển, họa sĩ Thy Ngọc…

Với mong muốn giới thiệu thêm về khía cạnh ít người biết về Quang Dũng này, con gái nhà thơ- bà Phương Thảo và họa sĩ Tô Chiêm đã quyết định hợp tác biên soạn cuốn sách “Nhà thơ Quang Dũng- người mang trong trắng đi tìm thanh cao”, được NXB Kim Đồng ấn hành nhân dịp 100 năm ngày sinh thi sĩ- họa sĩ, phần nào tỏ bày cuộc đời nghệ thuật của ông. Sách gồm 3 phần chính: 30 bài thơ, 29 bức tranh- là tác phẩm của Quang Dũng và một số bài giới thiệu, phê bình. Thơ và tranh được sắp xếp theo trình tự thời gian, giúp độc giả dõi theo hành trình song hành giữa nghệ thuật và trải nghiệm sống của cố nhà thơ. Dưới mỗi tác phẩm, Quang Dũng thường để lại địa điểm và thời gian sáng tác. Đó là những nơi ông từng đi qua, những con người ông có cơ duyên gặp gỡ, giống một dạng nhật ký.

Toàn bộ bản in trong sách dựa theo bút tích chép tay của ông trong các cuốn sổ, thư từ, tư liệu... được gia đình và bạn bè ông gìn giữ. Sinh thời, ông thường tặng các sáng tác cho bạn bè trong các dịp chứ không giữ lại. Với ông, được san sẻ đứa con tinh thần của mình với bạn bè, bằng hữu, đó là niềm vui sướng vô bờ bến. Nhiều bài thơ được Quang Dũng vẽ minh họa bằng bút chì ngay bên cạnh.

Quang Dũng chủ yếu vẽ phong cảnh với các bức như: Nhớ Tây Tiến, Đường lên Tây Bắc, Làng ven đê sông Đáy, Mây đầu ô, Dốc Yên Phụ, Vườn đào Nhật Tân, Ba Vì... lưu giữ lại cảnh đẹp sông nước, cỏ cây. Tranh của ông thường được tô điểm bằng nhiều màu sắc nhưng ít chi tiết, con người xuất hiện không rõ khuôn mặt... mang lại cảm giác trầm buồn, xao xuyến và mơ hồ. Nếu như thơ Quang Dũng “thi trung hữu họa” thì tranh của ông cũng phảng phất chất thơ. Có điều, tranh của Quang Dũng đến nay thất lạc nhiều. Một trong những bức tranh đẹp bị thất lạc nhiều năm, mới đây được một người bạn của Quang Dũng tặng lại gia đình là bức “Bến Ngọc” (1960). Đây là bức tranh Quang Dũng vẽ hôm mùng 4 Tết năm 1960, chính tại nơi đoàn binh Tây Tiến xuất binh…

Cố nhà thơ Trần Lê Văn- bạn cùng thời với Quang Dũng từng nhận xét: “Quang Dũng viết văn xuôi cũng là một cách làm thơ... bằng văn xuôi. Cũng như anh vẽ tranh cũng là một cách làm thơ bằng hội họa”.

Bởi vậy, sẽ thật thiếu xót nếu chỉ biết đến một Quang Dũng nhà thơ, nhà văn! Thơ, văn, nhạc, họa luôn đi cùng với nhau. Trong con người văn, thơ Quang Dũng, còn có một con người của hội họa. Tất cả đã tạo nên một chàng trai xứ Đoài đa tài, đa sắc!

Minh Dũng