Print

Bổ sung điều kiện đăng ký tạm trú để kiểm soát sử dụng lao động trẻ em

Thứ Tư, 21 /10/2020 14:23

Thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), các ĐBQH đề nghị bổ sung điều kiện đăng ký tạm trú với người chưa đủ 18 tuổi nhằm kiểm soát việc SDLĐ trẻ em.

Về thủ tục đăng ký tạm trú (Điều 28), Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật của Ủy ban Pháp luật nêu rõ, hiện nay có 2 luồng ý kiến. Luồng thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú như Luật hiện hành tối đa là 2 năm để phân biệt với việc đăng ký thường trú. Người đăng ký tạm trú thường là những người chưa có ý định cư trú lâu dài, ổn định hoặc đăng ký cư trú vào những chỗ ở không có tính ổn định, lâu dài.

Do đó, việc yêu cầu những người này đăng ký lại việc tạm trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú là biện pháp để tăng cường hiệu quả quản lý cư trú, nắm chắc số liệu dân cư trên địa bàn. Đồng thời, đây cũng là giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân chuyển sang thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở đã đăng ký tạm trú khi đã có đủ điều kiện. Luồng ý kiến này cũng đề nghị, cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định về hồ sơ và thủ tục gia hạn tạm trú.

Luồng ý kiến thứ hai tán thành với quy định như trong Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Cụ thể là không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú. Việc quản lý cư trú vẫn được bảo đảm thực hiện thông qua thông tin được khai báo, đăng ký trên Cơ sở dữ liệu về cư trú và qua các biện pháp nghiệp vụ, nắm địa bàn của cơ quan Công an ở địa phương.

Đa số ĐBQH tán thành với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Nêu quan điểm về thủ tục đăng ký tạm trú (Điều 28), ĐBQH Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đồng ý nên tiếp tục quy định về thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, việc quy định hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú giống như với hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú là chưa hợp lý vì thực chất, việc gia hạn không làm thay đổi địa điểm tạm trú đã đăng ký trước đó mà chỉ kéo dài thêm thời gian. Đồng thời, đề nghị cần xem xét nghiên cứu hình thức thủ tục gia hạn tạm trú đơn giản hơn thủ tục đăng ký tạm trú để bảo đảm sự nhanh gọn, thuận tiện cho người dân ví dụ như phiếu gia hạn, đăng ký trực tiếp bằng điện thoại hay phương thức điện tử.

Dưới góc độ khác, ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, hiện nay, trách nhiệm của người giám hộ hợp pháp để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chăm sóc, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên đã được quy định khá rõ ràng tại Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết. Thời gian qua, tình trạng chủ nhà hàng, khách sạn, nhà hàng, quán hát karaoke và gia đình đã SDLĐ trẻ em, người chưa thành niên bất hợp pháp, thuê các em làm giúp việc mà không khai báo tạm trú, không có HĐLĐ, không có giấy tờ ủy quyền của gia đình hoặc người giám hộ để bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em… diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Khi được kiểm tra, phát hiện, họ nhận trẻ em là con cháu, họ hàng. “Tôi đề nghị bổ sung nội dung về điều kiện đăng ký tạm trú với trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi. Theo đó, yêu cầu phải có ý kiến đồng ý của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú. Quan tâm, bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên là trách nhiệm lớn của mỗi gia đình, các bộ ngành, cơ quan chức năng và toàn xã hội”- ĐB Mão nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Phạm Văn Hoàng- (Đồng Tháp) cũng cho rằng, khi cho thuê, mượn, ở nhờ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã chấp nhận cho người cho thuê, mượn, ở nhờ sinh sống thường xuyên tại đó. Vì vậy, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không thể từ chối hay cản trở người khác thực hiện đăng ký thường trú với cơ quan Nhà nước, nhằm đảm bảo quyền lợi ích, hợp pháp chính đáng của mình và trật tự quản lý Nhà nước ở nơi cư trú. Việc quy định phải có văn bản đồng ý của chủ nhà thì người thuê, mượn, ở nhờ mới có thể đăng ký thường trú giống như hình thành thêm “giấy phép con”, làm hạn chế, cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần có quy định để quản lý những người không có nơi cư trú ổn định; bổ sung quy định để đăng ký, quản lý cư trú đối với người dân di cư tự do, nhất là đối với người dân tộc thiểu số du canh, du cư ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Một số ý kiến băn khoăn về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách, bảo đảm An sinh xã hội đối với các đối tượng này.

VT