Print

Các ĐBQH chia sẻ khó khăn với nhân dân miền Trung

Thứ Tư, 21 /10/2020 15:47

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra đúng lúc miền Trung đang lũ lụt, bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH đã có những chia sẻ sâu sắc tới đồng bào miền Trung- nơi đang phải chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, chúng ta đang đứng trước một trận đại hồng thủy lớn ở miền Trung. Ở khu vực cần nước thì không có nước, khu vực không cần nước thì lượng mưa lớn đã ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân cho thấy “thiệt hại đang chồng lên thiệt hại”.

 

Lũ lụt đang làm đời sống người dân đảo lộn ở những tỉnh miền Trung vốn đã rất khó khăn. “Cử tri và nhân dân đánh giá rất cao sự phản ứng kịp thời của Chính phủ cũng như của các Bộ, ngành, các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ giúp đỡ các tỉnh miền Trung. Để khắc phục được những thiệt hại to lớn này, đặc biệt là thiệt hại về con người và tài sản của đất nước cũng như của người dân cần có thời gian, ngân sách rất lớn, sự đồng lòng của nhân dân cả nước”- ĐB Nhưỡng nói.

Còn ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) chia sẻ, trong những ngày qua mưa lũ gây thiệt hại, tổn thất cho nhân dân các tỉnh miền Trung rất nặng nề. Là ĐBQH của tỉnh Quảng Trị, ĐB rất đau xót trước cảnh ngộ của rất nhiều bà con, đồng bào bị mất người thân, mất nhà, mất tài sản, thậm chí không có chỗ ăn nghỉ và nước uống. Chúng tôi đang tiếp tục vận động nhân dân cả nước quyên góp, chung tay giúp đỡ nhân dân miền các tỉnh miền Trung sớm khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đồng thời, ĐB Đỗ Văn Sinh cũng mong muốn trong thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân và đồng bào chiến sĩ cả nước chúng ta tiếp tục hướng về miền Trung, có những hành động cụ thể đóng góp về vật chất lẫn tinh thần để giúp đỡ nhân dân miền Trung khắc phục nhanh nhất những thiệt hại do lũ lụt gây ra. “Qua sự việc này cảnh báo lớn nhất với chúng ta đó là phải bảo vệ rừng, đây là cái gốc của vấn đề, chúng ta phải trồng nhiều rừng phòng hộ trên cơ sở bảo vệ tốt môi trường, không tàn phá môi trường. Chính sự tàn phá môi trường đã dẫn đến hậu quả như bây giờ. Đương nhiên trong thời gian trước mắt, tất cả các Bộ, ngành, địa phương phải làm tốt công tác cảnh báo, dự báo những khu vực nào, địa bàn nào bị ảnh hưởng lớn do sạt lở để sớm di chuyển người dân đến nơi an toàn”- ĐB Đỗ Văn Sinh đề nghị.

Về việc các cá nhân có được lập quỹ cứu trợ và sử dụng quỹ này để ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) rất hoan nghênh những người hảo tâm đi kêu gọi các tổ chức xã hội và nhân dân để có được những khoản ủng hộ cho nhân dân bị thiên tai- điều này rất đáng quý. Song, ĐB Lợi cũng nêu hai vấn đề cần phải tính toán.

Cụ thể, quyên góp ủng hộ cho nhân dân thì nên có tổ chức để điều tiết, làm sao để không bị trùng lắp và kinh phí đó đến được tận nơi; nên có sự tham gia của nhiều người quản lý. “Nước ta có 2 tổ chức quan trọng, đó là MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đây là hai tổ chức đứng ra phát lời kêu gọi theo tinh thần của luật pháp. Hai tổ chức này hoàn toàn có thể tiếp nhận vật chất, tiền của của các tổ chức, cá nhân để chuyển đến người dân một cách chính xác và đúng người, đúng chỗ, đúng nơi, đúng lúc. Cá nhân huy động tiền ủng hộ thiên tai thì rất tốt nhưng nên gửi tới một tổ chức để vận hành, phân phối thì chắc chắn sẽ tốt hơn. Và có lẽ nên là các tổ chức có sức mạnh, có uy tín hoặc có đủ năng lực để vận chuyển, kể cả vận chuyển bằng máy bay”- ĐB Lợi nói. 

Nhìn ở góc độ khác, ĐB Lê Thanh Vân- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lưu ý, người dân đã ủng hộ kinh phí để giúp đỡ nhân dân bị lũ lụt ở các tỉnh miền Trung thì nên lưu giữ lại các bằng chứng để sau này khi lũ lụt hết rồi, những ai cần truy cứu thì có căn cứ để giải trình.

Khi nguồn lực nhà nước chưa đủ thì việc nhân dân chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiên tai là điều nên khuyến khích. Vì nguồn lực nhà nước có hạn, nếu như huy động bằng các kênh khác thì để chính người dân với truyền thống “lá lành đùm lá rách” khơi dậy truyền thống yêu nước, thương nòi của nhân dân. Việc huy động nguồn lực này cũng có ý nghĩa giáo dục tinh thần “tương thân tương ái” và những tấm gương như vậy có tính lan tỏa trong xã hội rất cao.

Cũng theo ĐB Lê Thanh Vân, cần phải quy định cho minh bạch, chủ thể có quyền huy động và không nhất thiết chỉ là các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân. Cá nhân cũng có thể có quyền đứng ra quyên góp, không nhất thiết là phải qua một trình tự thủ tục hành chính phải được phép. Họ chỉ cần đăng ký, như doanh nghiệp với một mã định danh, với thông tin cá nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn sau đó là những quy định về phương thức để thực hiện cứu trợ như thế nào. “Tôi muốn nói lại là không máy móc về quy định chỉ có tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế mới có quyền đứng ra quyên góp mà mỗi cá nhân cũng đều có quyền, nhất là những người có tên tuổi, địa chỉ, uy tín trong xã hội được quyền làm việc này. Nhưng về thủ tục thì không thể tự phát nên có quy định đăng ký và họ chỉ cần đăng ký vào cổng thông tin quản lý nào đó mang tính chính danh để họ ràng buộc trách nhiệm”- ĐB Lê Thanh Vân nói.

N.Hà