Print

Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm để thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao

Thứ Tư, 21 /10/2020 16:09

“Đánh giá sơ bộ Khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển cho thấy, khung pháp lý của Việt Nam hiện nay về thực hành kinh doanh có trách nhiệm khá đầy đủ, phù hợp với khuôn khổ "bảo vệ, tôn trọng và khắc phục" đặt ra trong Nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và quyền con người (UNGP). Tuy nhiên, vẫn cần có một Kế hoạch hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao hơn vào Việt Nam.

Đánh giá được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Kinh doanh có trách nhiệm do UNDP Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp, thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển. Mục tiêu của Dự án là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, trong đó có hoạt động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Đánh giá này là bước đầu tiên của hoạt động nói trên với những phân tích sơ bộ về pháp luật và chính sách gắn liền với các tiêu chuẩn quốc tế về xã hội, môi trường trong hoạt động kinh doanh. Từ đó, xác định các lĩnh vực cần tập trung ưu tiên khi xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. “Đánh giá sơ bộ Khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm” được chia sẻ tại hội thảo tham vấn diễn ra ngày 21/10, nhằm lấy ý kiến phản hồi của đại diện các cơ quan nhà nước, DN, hiệp hội DN, đối tác phát triển, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Ann Mawe- Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhận định: “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải gây tổn hại đến phát triển xã hội hoặc môi trường. Thụy Điển đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực này, bằng cách đưa thực hành kinh doanh có trách nhiệm trở thành một phần không thể thiếu của phát triển DN, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững và đối thoại xã hội tại nơi làm việc”.

Tại Việt Nam, các nỗ lực nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm đã được thực hiện dưới góc độ phát triển bền vững. Trong thời gian qua, các nhà lãnh đạo đã chuyển định hướng tập trung từ chiến lược phát triển kinh tế thuần túy sang phát triển bền vững. Ngay từ năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gần đây nhất, vào cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1362/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân. Một trong những quan điểm chủ chốt được nêu trong Quyết định là “phát triển DN khu vực tư nhân hiệu quả, bền vững, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường” (Điều 1.I.2)

Hiện Việt Nam đã là thành viên của nhiều cam kết quốc tế về thương mại, lao động và các tiêu chuẩn thực hành kinh doanh có trách nhiệm khác nhằm định hướng xây dựng pháp luật trong nước. Việt Nam đã phê chuẩn một số công ước và hiệp định quốc tế quan trọng, theo đó cam kết đưa các tiêu chuẩn tối thiểu về thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào nội dung luật pháp trong nước và tổ chức thực hiện.

Việt Nam đồng thời đã xây dựng hệ thống pháp luật, quy định và chính sách trên nhiều lĩnh vực để bảo vệ người dân, cộng đồng và môi trường nhằm tránh những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh doanh. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tư pháp- Nguyễn Khánh Ngọc: những nỗ lực này là minh chứng rõ ràng cho cam kết của Chính phủ về đảm bảo thực hành kinh doanh có trách nhiệm. “Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam hướng đến cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế liên tục và phát triển bền vững. Điều này có thể được thực hiện nhờ vào việc hoàn thiện và thực thi các quy định pháp luật có liên quan”, ông Ngọc nói.

Trong bản Đánh giá này, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam nên ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đảm bảo biện pháp bảo vệ các nhóm yếu thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhóm này bao gồm NLĐ trong khu vực kinh tế phi chính thức, người dân tộc thiểu số, NLĐ di cư, nạn nhân của các hình thức bóc lột lao động hiện đại, người khuyết tật và người LGBTI (người đồng tính, song tính, chuyển giới hoặc liên giới tính).

Bên cạnh đó, các sửa đổi trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng cần hiện thực hóa các điều khoản về phát triển bền vững trong các Hiệp định thương mại tự do mới được phê chuẩn gần đây; thực hiện pháp luật lao động và DN mới được ban hành; sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai, cũng như xây dựng các chính sách để đạt được tiến bộ tốt hơn trong bối cảnh phục hồi sau Covid-19. Các hành động này tạo cơ hội quan trọng để tăng cường kết nối giữa khung pháp lý của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Thái An