Print

Xây dựng bảo tàng “ảo”: Từ khát khao đến hiện thực

Thứ Năm, 22 /10/2020 10:13

Làm bảo tàng “ảo” là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cũng như sự đa dạng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách tham quan. Không ít bảo tàng ở Việt Nam cho biết cũng rất khát khao có thể sớm hiện thực hóa giấc mơ về bảo tàng “ảo”, tuy nhiên không nhiều bảo tàng khởi động dự án này. Đa phần các bảo tàng vẫn bị động, lo ngại và sợ… trước khi bắt đầu cuộc đua chuyển đổi công nghệ ứng dụng vào các hoạt động.

Vẫn nhỏ giọt

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị đi tiên phong trong xu hướng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bảo tàng- xây dựng bảo tàng “ảo” trên không gian mạng. Từ năm 2013, bảo tàng này đã giới thiệu tới công chúng 2 trưng bày chuyên đề theo hướng này gồm trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Sự phản hồi tích cực của công chúng về cả nội dung và phương thức chuyển tải hiện đại đã tạo động lực để Bảo tàng tiếp tục lên kế hoạch cho các dự án tiếp theo, số hóa các hiện vật trưng bày theo từng chuyên đề nhất định. Khi truy cập vào website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, người xem sẽ thấy ngay phần tham quan bảo tàng “ảo” với tên gọi “Tham quan 3D”. Trong phần này, bảo tàng xây dựng 4 nội dung tham quan trực tuyến gồm Việt Nam thời tiền sử; Văn hóa Đông Sơn; Triều Ngô- Đinh- Tiền Lê- Lý- Trần và Óc Eo- Phù Nam.

Những trưng bày trực tuyến như thế này khá hấp dẫn người xem. Phần lớn khách tham quan đánh giá rằng xem trưng bày kiểu này thấy dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin, dễ dàng tìm kiếm các thông tin quan tâm một cách chuyên sâu và có thể lưu trữ để làm tư liệu cho mình. Như khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ, nếu xem trực tiếp thì chỉ có thể quan sát 1 mặt do bảo vật quốc gia này được đặt trong tủ kính; còn khi xem trực tuyến, người xem có thể quan sát tỉ mỉ tất cả các mặt của trống đồng, từng họa tiết hoa văn cũng như ý nghĩa văn hóa, lịch sử và thời đại…

Nối tiếp theo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, năm nay Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại TP.HCM cũng đã giới thiệu tới công chúng các trưng bày “ảo” 360. Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh là bảo tàng tuyến tỉnh hiếm hoi có các chương trình tham quan trực tuyến trên website, mở ra cơ hội cho những du khách ở xa có thể xem và biết được không gian trưng bày, các hiện vật của bảo tàng. Tuy vậy, số các đơn vị bảo tàng ứng dụng công nghệ hiện đại để khai thác hoạt động vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần các bảo tàng trong cả nước vẫn trung thành với lối trưng bày thực tế.

Có thể thấy, các bảo tàng vẫn khá “thờ ơ” với xu hướng mới được đánh giá là tất yếu trong thời buổi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ngay đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một trong những bảo tàng hàng đầu cả nước, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật có giá trị ghi dấu nhiều thời kỳ mỹ thuật thì đến nay vẫn chưa tiến hành trưng bày 3D hay xây dựng bảo tàng “ảo”. Website của Bảo tàng dù một, 2 năm trở lại đây có được đầu tư hơn nhưng các triển lãm đưa lên website hay fanpage chỉ đơn thuần là việc đưa tác phẩm đính kèm chú thích tác giả, nguồn gốc. Cách thức trưng bày cũng hết sức đơn giản, khó tạo sức hút với người xem.

Hay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, dù là một địa điểm hút khách của Thủ đô nhưng lại “đóng băng” website. Hoàn toàn không có việc ứng dụng công nghệ để du khách ở khắp nơi có thể biết đến các hoạt động và hiện vật trưng bày tại đây. Dù vậy, đại diện Bảo tàng tiết lộ đã triển khai bảo tàng “ảo” bỏ túi bằng đĩa CD từ rất sớm. Còn việc làm bảo tàng “ảo” 3D trên internet thì vẫn đang cân nhắc, thận trọng đánh giá các yếu tố để có thể triển khai một cách tốt nhất.

Khi nào phổ biến?

Với xu thế tất yếu- làm bảo tàng “ảo”, đa phần các bảo tàng ở nước ta đều không muốn đi ngược lại. Nhận thức được tiện ích cũng như nâng cao chất lượng hoạt động nếu áp dụng xu hướng này, tuy nhiên phần đông các bảo tàng, dù khao khát làm lại khá rụt rè.

Lý giải về việc chậm trễ áp dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày, ông Nguyễn Anh Minh- Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Bảo tàng không gặp khó khăn ở kinh phí thực hiện nhưng lại gặp khó khăn ở nội dung trưng bày. Việc thống nhất được nội dung đưa lên trực tuyến vẫn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp từ đội ngũ chuyên môn cũng như giới nghiên cứu. Chính vì thế, bảo tàng cứ nhùng nhằng giữa việc nên hay không. Và nếu mọi chuyện thuận lợi, sớm nhất trong năm 2020, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới bắt tay vào xây dựng bảo tàng “ảo” 3D”.

Còn với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bà An Thu Trà- Phó trưởng phòng Trưng bày, Truyền thông và công chúng, cho biết: “Chúng tôi mong muốn áp dụng công nghệ và khao khát làm bảo tàng “ảo” 3D và có ý tưởng để thực hiện. Nhưng bây giờ, chúng tôi không vội vàng mà cần đánh giá lại mô hình này để hướng đến cái đích cuối cùng là mang lại hiệu quả, sự hài lòng trong sử dụng công nghệ cho du khách”.

Quả thực, để có thể làm bảo tàng 3D, các đơn vị phải có kế hoạch cụ thể, quan trọng nhất vẫn là vấn đề nội dung trưng bày, cách trình bày ra sao cho hấp dẫn. Kinh phí cũng là một yếu tố được nhắc tới nhưng không phải là tiên quyết để bắt đầu tiến hành. Quan trọng nhất vẫn là việc bảo tàng có dám quyết, dám làm hay không mà thôi! Bày tỏ quan điểm, An Thu Trà cho rằng: “Việc xã hội hóa trong hoạt động bảo tàng là một hướng đi cần thiết. Bởi vì trong giai đoạn hiện nay, có nhiều hình thức bảo tàng khác nhau như tự chủ hoàn toàn, tự chủ một phần hay hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí Nhà nước. Dù là hình thức nào thì cũng cần hướng tới hợp tác với DN theo hướng 2 bên cùng có lợi. Còn nhìn vào việc triển khai xây dựng bảo tàng “ảo” 3D hiện nay, các đơn vị thường dựa vào nguồn kinh phí Nhà nước”.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Võ Văn Tâm- Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II cho biết: “Hiện nay, có nhiều phần mềm ứng dụng miễn phí để các bảo tàng xây dựng bảo tàng “ảo” 3D. Triển lãm trực tuyến “Thống nhất non sông” chỉ mất 50 triệu đồng, do đã khéo léo sử dụng các phần mềm miễn phí và đi thuê công ty tư nhân thực hiện những phần không làm được. Còn với những đơn vị chưa biết cách làm, con số này sẽ cao hơn gấp đôi, gấp ba do phụ thuộc vào nguồn nhân lực có thể thực hiện những mảng nào của quá trình số hóa hiện vật và thiết kế không gian 3D”.

Dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng việc “liệu cơm gắp mắm” sẽ có ý nghĩa để bảo tàng “ảo” có hiện hữu hay không. Và kết quả và hiệu quả ra sao vẫn phụ thuộc vào yếu tố quan trọng là con người. Nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia- Nguyễn Văn Cường cho rằng, bảo tàng “ảo” cần dựa trên nền tảng công nghệ hiện tại của đơn vị (website), sự “đa di năng” của nhân viên bảo tàng để giảm chi phí vận hành và bổ sung cho nội dung trưng bày trên mạng. Nếu nhân viên không chịu cập nhật cái mới thì hiệu quả của bảo tàng “ảo” sẽ đi xuống khi không được “chăm sóc” thường xuyên”.

Nhưng nói gì thì nói, có dám làm hay không, có dám bứt phá hay không vẫn là điều mà công chúng đang rất trông chờ ở các bảo tàng!

Xuân Hương