Print

Cố họa sĩ Bùi Trang Chước: Người vẽ Quốc huy Việt Nam

Thứ Năm, 22 /10/2020 10:19

Quốc huy nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là biểu tượng cô đọng về đất nước và con người Việt Nam, thể hiện khát vọng mãnh liệt xây dựng một đất nước giàu đẹp, phồn thịnh. Đây là mẫu do cố họa sĩ Bùi Trang Chước sáng tạo nên, là kết tinh của tài năng, nhiệt huyết và tình yêu với Tổ quốc.

“Tôi vẽ mẫu Quốc huy”

Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa giới thiệu tới công chúng triển lãm đặc biệt “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam- Họa sĩ Bùi Trang Chước”.

Với gần 200 tài liệu lưu trữ, hình ảnh, triển lãm đã cho người xem hiểu được quá trình vẽ phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của cố họa sĩ Bùi Trang Chước, đặc biệt có bản gốc của hơn 100 bản vẽ chì, vẽ màu mẫu Quốc huy, tem, giấy bạc… Nhiều bản vẽ được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, độc đáo cả về đề tài và nội dung, minh chứng cho quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc của họa sĩ để sáng tác nên biểu tượng của quốc gia.

Họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992) quê ở làng Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật (cha là cụ Hàn Oánh- người đã thiết kế kiến trúc ngôi nhà cổ trên nền toàn trụ sở UBND TP.Hà Nội hiện nay). Ông tốt nghiệp loại xuất sắc của Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương và là người Việt Nam cũng như người Đông Dương đầu tiên vẽ tem thư và giấy bạc (tiền). Giai đoạn 1951- 1952, ông được phân công vẽ giấy bạc ở Nhà in Ngân hàng do có tài năng về vẽ tiền tệ. Năm 1953, họa sĩ sáng tác các Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công các loại, mẫu giấy bạc Việt Nam và bức phù điêu có hình Bác Hồ được đúc bằng vàng mà phi công Phạm Tuân mang theo khi bay vào vũ trụ. Sau đó đến ngày 10/10/1954, Bùi Trang Chước làm việc tại Nhà in Ngân hàng, đồng thời là giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, và là một chuyên gia vẽ tiền tại Vụ Phát hành thuộc NHNN Việt Nam cho tới khi nghỉ hưu năm 1976.

Trong suốt sự nghiệp của mình, một thành công và cũng là niềm tự hào lớn với ông chính là phác thảo ra mẫu Quốc huy Việt Nam. Cơ duyên đến với ông từ sau Cách mạng tháng Tám thành công. Khi đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bộ máy nhà nước được hình thành và dần hoàn thiện. Sang những năm 1950, một số quốc gia trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để tiếp tục củng cố, thiết lập, mở rộng quan hệ với các nước, khẳng định chủ quyền dân tộc thông qua hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao có Công văn gửi Ban Thường trực Quốc hội đề nghị làm Quốc huy, Quốc ấn. Cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy sau đó đã được phát động (năm 1951), thu hút sự tham gia của đông đảo họa sĩ trên cả nước. Đã có khoảng 300 mẫu gửi đến dự thi. Trong đó, họa sĩ Bùi Trang Chước đóng góp số lượng lớn và 15 mẫu được lựa chọn, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong bản lưu bút “Tôi đã vẽ Quốc huy”, họa sĩ Bùi Trang Chước từng chia sẻ: “Tôi phác một số mẫu về hình dáng khác nhau, cũng dùng những bông lúa Việt Nam và cái đe hoặc bánh xe tượng trưng cho công nghiệp. Về nội dung bên trong, tôi dùng hình tượng cây tre hoặc con trâu. Song thấy cây tre, con trâu ở một số nước Á đông khác cũng có nên tôi lại dùng địa danh lịch sử như Đền Hùng, Gò Đống Đa, Ô Quan Chưởng hoặc Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Tháp Rùa. Nhưng tôi thấy các phác thảo đó về hình dáng còn rắc rối cầu kỳ, về nội dung cũng chưa được ổn: Cái thì về mảng hình trang trí không đẹp, cái thì dính dáng đến tôn giáo, cái thì mang tính chất lai căng”...

Cuối cùng, phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của ông được trình bày theo hình tròn, 2 bên là bông lúa, có mấy bông rủ vào bên trong ôm cái đe ở phía dưới. Dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 2 đầu dải lụa quấn 2 bên bông lúa từ dưới lên mỗi bên 2 đoạn. Ở giữa phía bên trong là ngôi sao trên nền đỏ. Dưới ngôi sao gần giữa trung tâm là vòng cung mặt trời có tia sáng chung quanh, gợi lên hình ảnh của buổi bình minh. “Toàn bộ Quốc huy tôi dùng 2 màu vàng và đỏ, khi thực hiện sơn mài là sơn son thếp vàng, màu cổ truyền hoành phi câu đối của dân tộc ta hay dùng. Số mẫu này tôi làm 2 bản: Một bản đưa đồng chí Côn để đệ trình Bác Hồ, và được Bác Hồ góp ý: Hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại. Còn một bản hiện nay tôi vẫn giữ”... họa sĩ Bùi Trang Chước viết.

Tài năng của mỹ thuật Việt

Mẫu Quốc huy Việt Nam do họa sĩ Bùi Trang Chước sáng tác chính thức được ban hành vào ngày 14/1/1956. So với mẫu phác thảo, Quốc huy chính thức của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có một số thay đổi nhỏ như việc thêm nhiều bông lúa có nhiều hạt, bánh xe nhích cao lên và có gờ, dải lụa toàn đường cong có thêm góc cạnh. Người được giao chỉnh sửa, hoàn thiện Quốc huy là họa sĩ Trần Văn Cẩn do vào thời điểm đó, họa sĩ Bùi Trang Chước nhận nhiệm vụ tuyệt mật của Chính phủ, lên đường sang Trung Quốc để vẽ tiền và in tiền. Cũng chính vì điều này đã gây nên những ngộ nhận không đáng có về việc sáng tác mẫu Quốc huy.

Tuy nhiên, ngày 27/2/2004, Công văn số 42 của Văn phòng Chính phủ đã khẳng định: “Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước- người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện, và họa sĩ Trần Văn Cẩn- người đã chỉnh sửa, hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt. Giao Bộ trưởng Bộ VH-TT có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam”.

Không chỉ là tác giả của mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam, họa sĩ Bùi Trang Chước còn là tác giả của “biểu trưng Tổng Công đoàn Việt Nam” (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), mẫu “Huy chương du kích”, mẫu “Bảng vàng danh dự”... Trong lĩnh vực hội họa, họa sĩ Bùi Trang Chước còn có biệt tài về tranh sơn khắc với những tác phẩm nổi bật như “Vịnh Hạ Long” (1960), “Khu gang thép Thái Nguyên” (1970) (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), “Thủy điện Thác Bà” (1975)… Họa sĩ Lê Lam từng nhận định: “Nghệ thuật của họa sĩ Bùi Trang Chước là sự kết tinh một cách tài tình biệt tài của họa sĩ với lòng yêu nước sâu sắc mang đậm bản sắc Việt Nam.”

Mới đây, tham dự buổi triển lãm “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam- Họa sĩ Bùi Trang Chước”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng nhận định: “Những cống hiến thầm lặng của họa sĩ Bùi Trang Chước từ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương; tài hoa của ông đã tạo nên hình dáng tinh tế, từ tem, giấy bạc, đến mẫu bằng khen, huân chương, huy chương, Quốc huy của Nhà nước ta đều là từ đường nét chân xác, cảm động của họa sĩ. Hàng trăm bản thảo với nét chì tinh tế, chuẩn xác, cho thấy thời kỳ lao động nghiêm túc, thận trọng của ông... Tuy nhiên, cho đến lúc này, những cống hiến của họa sĩ Bùi Trang Chước chưa được tưởng thưởng xứng đáng. Năm nay đang xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đây là dịp để vinh danh những cống hiến có giá trị của họa sĩ cho đất nước. Cố họa sĩ Bùi Trang Chước rất xứng đáng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật”.

Thanh Xuân