Print

Quốc hội thảo luận một số nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Thứ Năm, 22 /10/2020 12:55

Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 4 Điều. Những nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung hình thức xử phạt; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; lập biên bản vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp xử lý hành chính; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính...

Tại phiên thảo luận, ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng, để xử lý nghiêm minh, có tính răn đe và phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng xảy ra đối với người sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông, đề nghị ban soạn thảo bổ sung hình thức xử phạt tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với hành vi vi phạm này. Thực tế cho thấy, 1 trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhiều nhất với hậu quả nặng nề nhất hiện nay phần lớn là do lái xe sử dụng ma túy. Quy định như vậy cũng phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp năm 2013.

Hiện theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều kiểm xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22- 24 tháng. Đối với xe mô tô, xe gắn máy, phạt tiền từ 6- 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22- 24 tháng.

Còn theo ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), cho ý kiến về bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy để xác định tình trạng nghiện ma túy được quy định tại Điều 122 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, thời hạn tạm giữ người sử dụng trái phép chất ma túy là không quá 05 ngày kể từ ngày bắt đầu tạm giữ người vi phạm. Nơi tạm giữ người sử dụng trái phép chất ma túy là cơ sở cai nghiện bắt buộc cấp tỉnh hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính. Ban Soạn thảo Dự thảo Luật cần cân nhắc quy định như trên bởi vì Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã bổ sung 01 chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó có định nghĩa, người bị coi là sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy. Việc sử dụng trái phép chất ma túy của người đó không được pháp luật cho phép và chưa xác định được tình trạng nghiện. Như vậy, họ chưa được coi là người nghiện ma túy. Mặt khác, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính là hạn chế việc tự do đi lại của họ và có thể ảnh hưởng đến các quyền cơ bản khác. Do đó, quy định này cần phải được cân nhắc chặt chẽ và thận trọng.

Đóng góp ý kiến vào việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhận định, Quốc hội xem xét Khoản 4 Điều 58 về trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản ghi vi phạm hành chính phải có thêm chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ. Trường hợp không có cha mẹ hoặc người giám hộ thì phải có chứng kiến của chính quyền địa phương- nơi phát hiện người có hành vi vi phạm hành chính.

Về trường hợp người vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển trong thời hạn không quá 24 giờ làm việc kể từ khi lập biên bản. Bởi trên thực tế có một số trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính vào cuối giờ làm việc của ngày cuối tuần hoặc các ngày nghỉ lễ, Tết sẽ không đảm bảo thời gian chuyển biên bản theo quy định. “Ban Soạn thảo cần bổ sung một số trường hợp được xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định. Ví dụ như mức tiền xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng là khá cao nhưng đối tượng vi phạm lại thuộc diện trên”- ĐB Thúy đề xuất. 

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính đối với môi trường, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nhìn chung, các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu đối với Dự án Luật. Bên cạnh đó, còn một số còn nội dung ý kiến khác nhau đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giải trình, làm rõ. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và thẩm tra Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cần bảo đảm thời gian Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan quan đến Dự thảo Luật và đảm bảo triển khai Luật đúng thời điểm thi hành luật. Hiện còn một số nội dung khác nhau của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH.

VT