Print

Cảnh giác với sốt xuất huyết và tay chân miệng

Thứ Sáu, 23 /10/2020 13:29

Sáng 23/10, bác sĩ Lê Hồng Nga- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, số ca mắc tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP.HCM đang có dấu hiệu tăng trở lại. 

Cụ thể trong tuần qua, tại TP.HCM ghi nhận gần 900 ca TCM, trong đó các quận: Gò Vấp, Bình Thạnh, Quận 5, huyện Cần Giờ và Bình Chánh ghi nhận số ca bệnh trong tuần tăng trên mức độ cảnh báo. 

Qua ghi nhận của HCDC, tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, số trẻ TCM điều trị tại BV bắt đầu tăng. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận nội trú mới trên 20 trẻ. Tổng số bệnh nhi nằm viện dao động khoảng 50 trẻ, trong đó luôn có 4-5 trẻ bị nặng, phải hồi sức tích cực. Riêng phòng khám ngoại trú tiếp nhận 200 trẻ bị TCM mỗi ngày. Trong khi đó, tại BV Nhi đồng 2, số lượt KCB cũng tăng mạnh và rất nhiều trẻ phải nhập viện do SXH, TCM.

Theo Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 10/2020, cả nước đã ghi nhận trên 71.000 người mắc SXH. Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc SXH giảm khá nhiều nhưng trong vài tuần gần đây số người mắc SXH đang có chiều hướng gia tăng. 

Qua giám sát của Cục Y tế dự phòng cho thấy, 57% ca mắc SXH ghi nhận tại miền Nam, 33% tại miền Trung, Tây Nguyên chiếm 6% và miền Bắc là 4%. Đến nay, dịch SHX không có nhiều diễn biến bất thường so với các năm trước. Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 10 và 11 là mùa cao điểm của dịch SXH khi thời tiết vào mùa mưa, khí hậu rất thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển.  

Trước tình hình trên Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo cho các quận huyện triển khai giải pháp phòng chống TCM. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã ký Kế hoạch Liên tịch với Sở GD- ĐT triển khai các hoạt động phòng chống dịch TCM, SXH, sởi trong khu vực trường học, nhóm trẻ. Tăng cường các biện pháp hiệu quả phòng chống lây lan bệnh TCM trong trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ. Theo các chuyên gia y tế, TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ, của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh cũng như các dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bên cạnh TCM, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo bệnh SXH đã vào mùa cao điểm hằng năm.

Ngoài ra Sở Y tế TP.HCM cũng chuẩn bị tiếp tục ký Kế hoạch liên tịch với Thành đoàn và với Bộ Tư lệnh TP trong việc phối hợp tổ chức các chiến dịch và hoạt động phòng chống SXH tại các đơn vị có cơ sở đoàn, cơ sở an ninh quốc phòng và trong cộng đồng dân cư.

Trong khi đó HCDC cũng khuyến cáo, việc phòng chống bệnh SXH không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Y tế hay chỉ là sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Đây chính là trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình, cơ quan, công sở trong việc phải dọn dẹp, loại bỏ những nơi, vật dụng có thể chứa nước tạo điều kiện cho muỗi có thể đẻ trứng, phát triển và trở thành điểm nguy cơ gây bệnh SXH. Những đồ vật trong nhà và ngoài trời có khả năng chứa nước, đọng nước như xô chậu, thùng phi, bình bông, chậu hoa, cây kiểng, hồ tiểu cảnh, vỏ xe, ly nhựa, hầm cống, hố nước, hốc cây, các vật phế thải, các công trình xây dựng… cần được chung tay dọn dẹp. Việc phun hóa chất diệt muỗi của ngành Y tế, của các hộ gia đình chỉ là biện pháp cấp thời nhằm diệt đàn muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng triệt để.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người có triệu chứng sốt nên đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sỹ khám và hướng dẫn chăm sóc, điều trị. Uống nhiều nước. Nếu phát hiện một trong các dấu hiệu như: Lừ đừ, rối loạn tri giác, mệt mỏi, chi lạnh, nôn ói nhiều, đau bụng, xuất huyết (chảy máu cam, tiêu, tiểu ra máu), đau nhiều ở mạn sườn phải thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Lê Văn