Print

Kiểm soát biến chứng bệnh đái tháo đường giúp quản lý hiệu quả chi phí điều trị

Thứ Bảy, 24 /10/2020 19:30

Đái tháo đường là một trong những căn bệnh đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người mắc phải, khiến chi phí điều trị tăng cao. Kiểm soát biến chứng bệnh gây ra là một trong những giải pháp quản lý hiệu quả chi phí cho Quỹ BHXH và tiết kiệm cho người bệnh.

Đó là khẳng định của các chuyên gia và cán bộ y tế, giám định đến từ các cơ quan, đơn vị, bệnh viện các tỉnh, thành phố tham gia hội thảo “Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường tại Việt Nam” tổ chức ngày 24/10, tại Hải Phòng. Đây là hoạt động trong thỏa thuận hợp tác giữa BHXH Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ ngành BHXH Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam); ông Henrik Hjorth- Tham tán Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam; ông Hassan Mahmoud Fahmi- Trưởng đại diện Novo Nordisk tại Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản l‎ý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và ông Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia. Đồng thời, đại diện Bộ Y tế cùng 100 đại biểu của BHXH, Sở y tế, bệnh viện từ 5 tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định và Thái Bình cũng tham dự hội nghị này.

Bs.Lê Văn Phúc- Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) thông tin, năm 2017, có khoảng gần 4% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường; bên cạnh đó có khoảng 10% dân số mắc tiền đái tháo đường (ĐTĐ). Tỷ lệ mắc ĐTĐ vẫn đang gia tăng nhanh chóng. Việt Nam là một trong các quốc gia tại Đông Nam Á có tỷ lệ bệnh gia tăng nhanh. Khoảng gần 70% các trường hợp tăng đường huyết chưa được phát hiện.

Theo báo cáo của Ban Thực hiện chính sách BHYT, chi phí chính cho bệnh ĐTĐ là chi phí thuốc, chi phí khám, xét nghiệm, vật tư y tế, ngày giường, chẩn đoán hình ảnh, thủ thuật và các chi phí khác. Tuy nhiên, các chi phí BHYT hiện đang chi trả cho bệnh ĐTĐ chỉ là phần nhỏ trong tổng chi phí. Các yếu tố nguy cơ tiềm ần chính là tỷ lệ chẩn đoán và điều trị còn thấp, tiền đái tháo đường, và tỷ lệ biến chứng cao. Trong tổng chi phí thuốc cho người bệnh ĐTĐ, chi phí cho thuốc không liên quan tới điều trị ĐTĐ còn cao (chiếm tới 58%).

Nghiên cứu về "Gánh nặng chi phí bệnh ĐTĐ tại Việt Nam được thực hiện năm 2017" cũng cho thấy, dựa trên số liệu toàn quốc của BHXH Việt Nam, có tới 55% số người mắc ĐTĐ tại Việt Nam đã có biến chứng. Hai biến chứng chiếm tỉ lệ cao nhất là biến chứng tim mạch và biến chứng thần kinh. Năm 2017, tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân có biến chứng là 6.824 tỷ, chiếm tới 70% tổng chi phí cho bệnh ĐTĐ.

Đáng chú ý, so với bệnh nhân ĐTĐ thông thường, bệnh nhân có biến chứng tăng chí phí khám chữa bệnh nội trú, chi phí cấp cứu, chi phí cho thuốc không liên quan đái tháo đường từ 2-5 lần. Tỷ lệ chi cho insulin thấp trên tất cả các tuyến (chỉ từ 3-5%) và hầu như không có tại tuyến xã phường (0.2%).

Tại Hội thảo, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết- Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh quan điểm cần kiểm soát tích cực biến chứng đái tháo đường để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí điều trị, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Để phòng ngừa biến chứng của đái tháo đường, người bệnh cần được điều trị tích cực, kiểm soát đường huyết tốt từ giai đoạn sớm và cá thể hóa điều trị. Nâng cao tuân thủ điều trị là một trong những yếu tố giúp giảm biến chứng của đái tháo đường. Insulin analogue là thuốc kiểm soát đường huyết hiệu quả, bên cạnh đó không gây hạ đường huyết, giúp tăng tuân trị của bệnh nhân, giảm biến chứng và qua đó giảm chi phí điều trị.

Các đại biểu tham dự còn được cập nhật thêm những chính sách mới của Bộ Y tế liên quan tới đàm phán giá và cung ứng thuốc trong bối cảnh mới. PGS.TS. Nguyễn Quỳnh Hoa, Phó giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia cho biết việc mua sắm thuốc có hiệu quả với giá hợp lý là một trong những việc làm cấp thiết để đảm bảo nguồn ngân Quỹ BHYT.

Về vấn đề này, đại diện Novo Nordisk tại Việt Nam, ông Hassan Falmi, chia sẻ quan điểm quản lý tốt biến chứng sẽ giúp giảm phần lớn tổng chi phí BHYT chi cho bệnh ĐTĐ qua các chương trình chung tay hành động của các đối tác công- tư.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cũng đã tham luận, thảo luận về các nội dung liên quan đến thực trạng điều trị bệnh ĐTĐ ở các địa phương, chia sẻ kinh nghiệm về đàm phán giá và cung ứng thuốc liên quan. Tiếp thu các ý kiến, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, việc quản lý bệnh nhân hiệu quả ngay từ tuyến y tế cơ sở sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả mà BHXH Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế hướng tới.

Trước đó, các hội thảo chuyên đề về nội dung này đã được tổ chức tại Cần Thơ và Bình Dương. Qua đó, 300 cán bộ ngành BHXH Việt Nam thuộc 13 tỉnh thành trên cả nước đã tiếp cận và được cung cấp các thông tin liên quan đến việc điều trị và sử dụng thuốc hiệu quả và hợp lý cho bệnh ĐTĐ.

Ngọc Anh