Print

Việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Thứ Bảy, 24 /10/2020 19:55

Chính vì tầm quan trọng của vấn đề việc làm nên những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới việc làm trên toàn cầu đang là mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế.

Mất việc làm diễn ra toàn thế giới

Theo ILO, đại dịch COVID-19 mà cụ thể là việc thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm làm chậm sự lây lan của vi-rút SARS-CoV-2, giảm thiểu số ca mắc và tử vong và tránh kết cục không mong muốn cho các hệ thống y tế quốc gia đã có tác động đột ngột và nghiêm trọng đối với các DN, từ đó tạo ra những tác động ngay lập tức và sâu rộng đến việc làm, gây ra cú sốc chưa từng thấy đối với thị trường lao động với sự sụt giảm việc làm lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.

Báo cáo nhanh số 5 của tổ chức quốc tế này cho thấy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14% trong quý II/2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần). Đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 10,7% (tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian) đưa ra trước đó.

Cũng theo báo cáo này, trong những tuần qua, tình hình đang diễn biến xấu đi ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở những nền kinh tế đang phát triển. Còn xét theo khu vực, tổn thất về số giờ làm việc trong quý II thống kê được tại châu Mỹ là 18,3%, tại châu Âu và Trung Á (13,9%), châu Á và Thái Bình Dương (13,5%), các quốc gia Ả-rập (13,2%) và châu Phi (12,1%). Đại đa số NLĐ trên thế giới (93%) vẫn đang sống ở những quốc gia hiện vẫn áp dụng biện pháp nào đó liên quan đến đóng cửa nơi làm việc, trong đó các nước châu Mỹ hiện đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất.

Tác động đối với thanh niên

Báo cáo “Giải quyết khủng hoảng việc làm cho thanh niên do đại dịch Covid-19 gây nên tại châu Á và Thái Bình Dương” của ILO đã cho thấy, triển vọng việc làm của thanh niên ở châu Á và Thái Bình Dương đang bị thách thức nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây lên. Theo đó, thanh niên (những người trong độ tuổi từ 15- 24) bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với người trưởng thành (25 tuổi trở lên) trong cuộc khủng hoảng và cũng có nguy cơ phải gánh chịu những chi phí kinh tế và xã hội cao hơn trong thời gian dài hơn.

Trong khi trước cuộc khủng hoảng Covid-19, thanh niên ở châu Á và Thái Bình Dương đã phải đối mặt với những thách thức về thị trường lao động, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao và tỷ lệ lớn thanh niên không được tham gia học hành, không có việc làm. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực là 13,8%, trong khi tỷ lệ này của người trưởng thành là 3% và hơn 267 triệu thanh niên (34% dân số) ở tình trạng không có việc làm mà cũng không tham gia học hành hoặc đào tạo (NEET). 4/5 lao động trẻ trong khu vực làm công việc phi chính thức (tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ của người trưởng thành) và cứ 4 lao động trẻ thì có một người phải sống trong điều kiện nghèo cùng cực hay nghèo vừa phải.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực vào quý đầu năm 2020 đã tăng mạnh. So với quý I/2019, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên tại 6/9 nền kinh tế bao gồm Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam cũng như Hồng Kong (Trung Quốc) với mức tăng lớn nhất là 3%. Ở tất cả các nền kinh tế này, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đều tăng cao hơn so với người trưởng thành. Một trong những nguyên do mà thanh niên trong khu vực phải đối mặt với những gián đoạn thị trường lao động và tổn thất việc làm lớn hơn so với người trưởng thành là do gần một nửa trong số họ (hơn 100 triệu người) làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng là lĩnh vực thương mại bán buôn bán lẻ và sửa chữa; sản xuất; dịch vụ thuê mướn và kinh doanh; dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Tác động đối với phụ nữ

Cũng theo tính toán của ILO, đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ bởi lao động nữ chiếm số đông trong một số lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng như lĩnh vực lưu trú, ăn uống, bán hàng và sản xuất. Gần 510 triệu (tức 40%) số lao động nữ toàn cầu hiện đang làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên.

Phụ nữ cũng chiếm số đông trong công việc giúp việc gia đình và trong lĩnh vực y tế và công tác xã hội. Do đó họ phải đối diện với nguy cơ cao hơn bị mất thu nhập hay lây nhiễm bệnh và ít có khả năng được hưởng bảo trợ xã hội. Sự phân công công việc chăm sóc không được trả lương không đồng đều vốn đã tồn tại từ trước đại dịch đã trở nên tồi tệ hơn trong khủng hoảng và càng trầm trọng hơn khi trường học và các dịch vụ chăm sóc bị đóng cửa.

Lao động giúp việc gia đình trước nguy cơ mất sinh kế

Cũng theo một báo cáo mới đây của ILO, gần 3/4 số lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới- tức hơn 55 triệu người- đứng trước nguy cơ lớn bị mất việc và thu nhập do các biện pháp phong tỏa và thiếu các cơ chế an sinh xã hội hiệu quả. Phần đông trong số những lao động giúp việc gia đình này (37 triệu người) là phụ nữ. Số liệu tính cho tháng 6 cho thấy những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Đông Nam Á và Thái Bình Dương với 76% lao động giúp việc gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tiếp đến là châu Mỹ (74%), châu Phi (72%) và châu Âu (45%).

Mặc dù lao động làm công việc giúp việc gia đình cả chính thức và phi chính thức đều đã và đang bị ảnh hưởng, nhưng nhóm lao động phi chính thức chiếm tới 76% số người có nguy cơ bị mất việc hoặc cắt giảm giờ làm. Ở những quốc gia áp dụng nghiêm ngặt biện pháp phong tỏa thì lao động giúp việc gia đình, dù là chính thức hay phi chính thức, đều không thể đi làm. Trong khi những người có công việc chính thức vẫn được hưởng BH thất nghiệp thì với những lao động làm công việc giúp việc gia đình phi chính thức, không đi làm đồng nghĩa với việc mất sinh kế, không được hưởng sự bảo vệ từ hệ thống bảo trợ xã hội, khiến cho việc lo bữa ăn thôi cũng đã là khó khăn.

Chỉ có 10% lao động giúp việc gia đình được tiếp cận an sinh xã hội, nghĩa là họ không được nghỉ ốm hưởng nguyên lương, không được đảm bảo tiếp cận chăm sóc y tế, trợ cấp thương tật lao động hay BH thất nghiệp. Thu nhập của nhiều lao động giúp việc gia đình chỉ bằng 25% mức tiền công trung bình khiến họ không có khoản tiết kiệm nào cho những trường hợp cấp bách về tài chính.

Ở một số khu vực, lao động giúp việc gia đình đa phần là lao động di cư. Họ dựa vào tiền lương để hỗ trợ gia đình ở quê hương. Việc không được trả lương và bị dừng các dịch vụ chuyển tiền khiến gia đình của những lao động di cư làm giúp việc gia đình có nguy cơ lâm vào cảnh nghèo đói. Phần lớn lao động giúp việc gia đình sống cùng chủ nhà vẫn tiếp tục làm việc trong giai đoạn phải cách ly xã hội. Tuy nhiên, báo cáo cho biết họ phải làm việc nhiều giờ hơn do trường học đóng cửa và được yêu cầu làm nhiệm vụ lau dọn nhiều hơn. Có những trường hợp người SDLĐ dừng trả lương cho lao động giúp việc gia đình sống cùng chủ nhà do tình hình tài chính của bản thân họ hay cho rằng lao động giúp việc gia đình không cần đến lương vì không được ra ngoài.

Trong khi đó, nhiều lao động di cư làm giúp việc gia đình đã phải lang thang ở ngoài đường sau khi bị người SDLĐ đuổi việc do sợ họ bị lây nhiễm vi-rút. Điều này khiến họ có nguy cơ thành nạn nhân của nạn buôn bán người.

Hơn 30 triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng

Không nằm ngoài “vòng xoáy” chung, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến nhiều NLĐ tại Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chiếm 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm, 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động- không tham gia hoạt động kinh tế.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 25,1% lao động bị ảnh hưởng. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh. Điều này cho thấy trước những cú sốc kinh tế, lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có chuyên môn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Hoàng Đông

ILO ước tính, khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra đã khiến gần 1,6 trên tổng số 2 tỷ NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức (chiếm phần lớn đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động) trên thế giới (lực lượng lao động toàn cầu là 3,3 tỷ) phải chịu thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng mưu sinh của họ. Đây là hậu quả của các biện pháp phong tỏa và/hoặc do họ làm việc tập trung ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.