Print

Quỹ BH thất nghiệp được quản lý và sử dụng theo đúng quy định

Thứ Năm, 12 /11/2020 06:31

Chính sách BH thất nghiệp là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động và cũng là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, nhưng quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, duy trì việc làm cho NLĐ. 

"Điểm tựa" khi NLĐ mất việc

Sau khi chuyển nền kinh tế sang thị trường (năm 1986), để thúc đẩy sự phát triển thị trường lao động, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành nhiều chính sách sắp xếp lại tổ chức, lao động theo nguyên tắc đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc, phát huy năng lực, hiệu suất của từng người. Khi đó, những người tự nguyện xin nghỉ việc sẽ được trợ cấp một lần theo nguyên tắc “cứ mỗi năm công tác trong cơ quan Nhà nước được hưởng bằng một tháng lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp (nếu có)”. Các trường hợp dôi dư không tự nguyện xin nghỉ sẽ được nghỉ tạm thời tối đa 12 tháng và được hưởng 75% lương kèm phụ cấp và trợ cấp khác để tìm kiếm việc làm.

Ngày 1/1/1995, Bộ luật Lao động có hiệu lực từ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong điều chỉnh các quan hệ lao động ở nước ta và được sửa đổi, bổ sung vào những năm 2002, 2006, 2007 để giải quyết chế độ, hỗ trợ cho những người đang làm việc trong các thành phần kinh tế mà mất việc làm, bị thôi việc, cụ thể: Trợ cấp mất việc làm khi NLĐ làm việc đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do DN thay đổi cơ cấu, công nghệ… với mức trợ cấp cứ mỗi năm làm việc được trả một tháng lương (tối thiểu là 3 tháng) do DN tự chi trả. Trợ cấp thôi việc áp dụng đối với NLĐ đã làm việc thường xuyên trong DN, cơ quan, tổ chức từ 1 năm trở lên bị người SDLĐ chấm dứt HĐLĐ hoặc NLĐ chủ động chấm dứt HĐLĐ trong một số trường hợp. Mức trợ cấp thôi việc căn cứ vào mức đóng góp của NLĐ cho tổ chức, DN và phụ thuộc vào hai yếu tố: Thời gian làm việc thực tế và mức lương của NLĐ. Mỗi năm làm việc NLĐ được hưởng mức trợ cấp là nửa tháng lương và phụ cấp (nếu có). Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc do DN, tổ chức tự chi trả.

Chế độ trợ cấp đối với lao động dôi dư khi sắp xếp lại DNNN giải quyết cho các trường hợp: NLĐ dôi dư đang thực hiện HĐLĐ không xác định thời hạn có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi, ngoài việc được nghỉ hưu nhưng không trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi còn được hưởng thêm trợ cấp 3 tháng tiền lương đang hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi và trợ cấp 5 tháng tiền lương đang hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp thêm 1/2 tháng tiền lương đang hưởng. NLĐ dôi dư đang thực hiện HĐLĐ có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm nếu chấm dứt HĐLĐ, được hưởng trợ cấp mất việc làm được tính theo số năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước, cứ mỗi năm được trợ cấp 1 tháng tiền lương đang hưởng và trợ cấp 70% tiền lương cho những tháng còn lại chưa thực hiện hết HĐLĐ đã giao kết nhưng tối đa không quá 12 tháng. Để thực hiện chi trả chế độ chính sách đối với lao động dôi dư thì Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư được hình thành trên cơ sở NSNN, nguồn viện trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn khác.

Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp thiết cần phải có chính sách BH thất nghiệp đối với NLĐ trong nền kinh tế thị trường, ngày 29/6/2006, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH, trong đó quy định về chính sách BH thất nghiệp. Đây là khung pháp lý quan trọng để triển khai BH thất nghiệp ở Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2009. Sau 4 năm thực hiện, ngày 16/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm, trong đó quy định về BH thất nghiệp đã được sửa đổi thay thế trong Luật BHXH như: Mở rộng đối tượng tham gia, điều kiện hưởng BH thất nghiệp và chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ... và được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/1/2015. Đặc biệt, Luật Việc làm cũng quy định rõ Quỹ BH thất nghiệp được hình thành từ các khoản đóng góp của NLĐ, người SDLĐ, Nhà nước hỗ trợ do ngân sách trung ương đảm bảo; từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác; Quỹ BH thất nghiệp sử dụng vào các mục đích như: Chi trả trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; chi phí quản lý BH thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật BHXH; Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.

Ngày càng nhiều NLĐ được hưởng chính sách

Cùng với quá trình cải cách kinh tế, các thành phần kinh tế NQD, FDI không ngừng phát triển, tạo ra nhiều vị trí việc làm, thu hút nhiều lao động; việc mở rộng đối tượng HĐLĐ từ 3 tháng đến dưới 12 tháng bắt buộc tham gia BH thất nghiệp theo Luật Việc làm... số người tham gia BH thất nghiệp liên tục tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia BH thất nghiệp thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia (tăng 11,8% so với năm 2014); năm 2016 có 11.061.562 người tham gia (tăng 7,3% so với năm 2015); năm 2017 có 11.774.742 người tham gia (tăng 8,1% so với năm 2016) và năm 2018 có 12.680.173 người tham gia (tăng 7,7% so với năm 2017), bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người), tổng số đơn vị tham gia BH thất nghiệp là 361.586 đơn vị.

Cùng với đó, số người hưởng chính sách BH thất nghiệp tăng dẫn đến tổng chi cho các chế độ BH thất nghiệp cũng tăng: Năm 2010, tổng chi các chế độ BH thất nghiệp là 457,1 tỷ đồng thì đến năm 2014 là 3.911,1 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2011 (trong đó chi cho trợ cấp thất nghiệp chiếm 95,7%; chi hỗ trợ học nghề chiếm 0,13%; chi BHYT chiếm 4% so với tổng chi cho các chế độ BH thất nghiệp từ năm 2010- 2014). Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực với việc thay đổi cách tính thời gian hưởng BH thất nghiệp, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giai đoạn 2015- 2018 tăng ổn định với tỷ lệ bình quân là 12,5% (năm 2016 tăng 11,4% so với năm 2015, năm 2017 tăng 14,5% so với năm 2016; năm 2018 có 763.573 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2017, tăng gần 4 lần so với năm 2010. Tổng số người được chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng gần 5,7 triệu người với số tiền trên 52.000 tỷ đồng; tổng số người hưởng được hỗ trợ học nghề trên 200.000 người với số tiền 408 tỷ đồng; quỹ BH thất nghiệp cũng chi trả tiền đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp với khoảng 2.400 tỷ đồng.

Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong những năm đầu thực hiện chính sách còn tương đối thấp, thời gian hưởng ngắn; số chi các chế độ BH thất nghiệp so với số thu BH thất nghiệp những năm đầu chỉ giao động khoảng dưới 30%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ này bắt đầu gia tăng, năm 2015 là 52% trở lên thì đến năm 2019 tỷ lệ này là 70%. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lao động mất việc làm tăng và quỹ BH thất nghiệp cũng thực hiện được vai trò “điểm tựa” giúp đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho NLĐ không có việc làm… và tỷ lệ hưởng lên 90% so với số thu. Cụ thể, trong 10 tháng của năm 2020, cả nước đã có 881.895 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 85.635 người so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 869.158 người và số người được hỗ trợ học nghề là 12.737 người. Đặc biệt, số chi trợ cấp BH thất nghiệp trong 10 tháng cũng tăng lên 12.988 tỷ đồng, tăng 7.264 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019 (tương đương 126,90%); số chi hỗ trợ học nghề trên 33 tỷ đồng.

Quỹ BH thất nghiệp được quản lý chặt chẽ và phục vụ chi cho NLĐ

Điều 59 Luật Việc làm đã nêu rõ, Quỹ BH thất nghiệp được hạch toán độc lập. Tổ chức BHXH thực hiện việc thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ BH thất nghiệp; hoạt động đầu tư từ quỹ BH thất nghiệp phải bảo đảm an toàn, minh bạch, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết. Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ hỗ trợ từ NSNN; việc quản lý, sử dụng quỹ; tổ chức thực hiện BH thất nghiệp.

Đồng thời, Nghị định số 01/2016/NĐ-CP và đến Nghị định số 89/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam cũng quy định cụ thể như BHXH Việt Nam có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...

Cụ thể, BHXH Việt Nam tổ chức thu BH thất nghiệp của các cơ quan, tổ chức, người SDLĐ và NLĐ; tổ chức chi trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm, đóng BHYT cho người được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, trong đó có quỹ BH thất theo nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật; tổ chức hạch toán các quỹ thành phần theo quy định của pháp luật... Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của BHXH Việt Nam và tư vấn về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Theo đánh giá tại Báo cáo thẩm tra việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BH thất nghiệp hàng năm của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, số phát sinh tăng quỹ BH thất nghiệp trong các năm đều tăng lên. Cụ thể, năm 2017, kết dư Quỹ BH thất nghiệp là 67.320 tỷ đồng, tăng 9.038 tỷ đồng so với năm 2016; năm 2018 là 79.073 tỷ đồng; năm 2019 là 84.000 tỷ đồng và năm 2020, quỹ BH thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, đến năm 2021 dự kiến số chi BH thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng hơn năm 2020 vì chính sách có độ trễ nhất định. Bản chất của BH thất nghiệp giúp NLĐ khi mất việc làm có nguồn thu nhập ổn định đảm bảo đời sống. Song dù quỹ BH thất nghiệp kết dư như vậy nhưng theo quy định của Luật quỹ nào được sử dụng vào mục đích của quỹ đó và không được phép dùng quỹ BH thất nghiệp chi hỗ trợ DN, trả lương cho NLĐ...

Cũng theo đánh giá, số quỹ BH thất nghiệp tăng bên cạnh chính sách pháp luật đã có nhiều lần điều chỉnh để mở rộng đối tượng tham gia; tăng mức đóng BH thất nghiệp thông qua việc điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng… thì công tác quản lý thu BH thất nghiệp được ngành BHXH thực hiện luôn chặt chẽ.

Cụ thể, qua thanh kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp trốn đóng, đóng chưa đúng tiền lương để đề nghị truy thu đảm bảo quyền lợi cho NLĐ; chế độ và quyền lợi của người thất nghiệp được chi trả kịp thời, đầy đủ, công tác quản lý chi cũng luôn được giám sát chặt chẽ, chi đúng đối tượng, hạn chế nhiều trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ qua công tác thanh tra, kiểm tra và ứng dụng CNTT trong quản lý… Điều này giúp cho quỹ BH thất nghiệp đảm bảo an toàn, là "điểm tựa" quan trọng của người lao động, giúp ổn định cuộc sống trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.

V.Thu

Trong 10 tháng của năm 2020, cả nước đã có 881.895 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 85.635 người so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 869.158 người và số người được hỗ trợ học nghề là 12.737 người. Đặc biệt, số chi BH thất nghiệp trong 10 tháng qua cũng tăng lên 12.988 tỷ đồng, tăng 7.264 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019 (tương đương 126,90%); số chi hỗ trợ học nghề trên 33 tỷ đồng.