Print

Ba lễ hội lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam

Thứ Ba, 17 /11/2020 15:17

Trong tháng 11 này, ba chương trình, lễ hội đặc sắc sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại các tỉnh, thành gồm: “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng”; Lễ hội “Mùa Đông Bắc Hà” và Lễ hội ánh sáng “Đêm Tây Đô huyền ảo”.

 Cụ thể, chương trình "Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2020" diễn ra từ ngày 21- 23/11 tại Bảo tàng TP.Đà Nẵng nhằm tuyên truyền, giới thiệu và làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của hệ thống Di sản văn hóa trên địa bàn thành phố; đưa Di sản văn hóa đến gần với công chúng địa phương cũng như góp phần nâng cao trách nhiệm của toàn thể cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức một sự kiện giới thiệu về Di sản văn hóa Đà Nẵng, hứa hẹn mang đến cho công chúng nhiều điều hấp dẫn, sôi nổi và ý nghĩa với nhiều hoạt động mới mẻ như: Cuộc thi tìm hiểu “Dòng chảy Di sản văn hóa Đà Nẵng”, Cuộc thi hùng biện “Tự hào Di sản văn hóa Đà Nẵng”, Triển lãm “Scooter cổ- Huyền thoại một thời”, Chương trình giao lưu “Scooter trên những cung đường”, Cuộc thi ảnh “So dáng cùng scooter” trên mạng xã hội Instagram của Bảo tàng Đà Nẵng, Các gian hàng quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa Đà Nẵng gắn với hoạt động trải nghiệm: Văn hóa biển, Văn hóa Cơ tu, Nghề thủ công truyền thống, Trò chơi dân gian, Di tích văn hóa Đà Nẵng, Ẩm thực…

Từ ngày 21-22/11, tại Lào Cai sẽ diễn ra Lễ hội “Mùa Đông Bắc Hà” với nhiều hoạt động đặc sắc, độc đáo, mới lạ, hấp dẫn. Cụ thể, chương trình sẽ gồm các hoạt động: Lễ hội ẩm thực “Mâm cơm Bắc Hà”, Hội thi Khèn Mông lần thứ nhất, lễ hội đường phố, chợ đêm Bắc Hà; khám phá trải nghiệm chợ văn hóa và các hoạt động tại dinh thự Hoàng A Tưởng, thăm thung lũng hoa Bắc Hà, trang trại hoa hồng cổ km7 và tại các làng du lịch cộng đồng; tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, cuộc sống của đồng bào dân tộc gắn với ruộng đồng, ngựa, nghề truyền thống, ẩm thực...

Đặc biệt, trong ngày 21/11 tại sân vận động trung tâm huyện Bắc Hà sẽ diễn ra giải đua ngựa xã Na Hối mở rộng lần thứ nhất. Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn của Lễ hội.

Một lễ hội không thể qua khác chính là Lễ hội ánh sáng “Đêm Tây Đô huyền ảo” trong 2 đêm 27 và 28/11 tại Cần Thơ. Lễ hội nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá du lịch TP.Cần Thơ sau khi tái khởi động chương trình kích cầu cũng như quảng bá hình ảnh Bến Ninh Kiều- điểm nhấn du lịch của TP.Cần Thơ và ĐBSCL.

Hàng trăm tấn thiết bị sẽ được bắc trên khu vực rạch Khai Luông (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) để phục vụ việc tạo hiệu ứng ánh sáng hoành tráng. Hai bên sân khấu chính tổ chức lễ hội ánh sáng sẽ được trang trí "khu vườn sen trên sông" với 200 hoa sen và lá sen bằng đèn LED và hàng loạt hoa đăng lung linh. Ngoài ra, quận Ninh Kiều cũng trang trí đèn LED nghệ thuật trên cầu đi bộ Cần Thơ (bên trên khu vực sông tổ chức chương trình) và dịp này cũng sẽ đổi tên cầu này thành “cầu Tình yêu”.

Chương trình Lễ hội ánh sáng gồm 3 phần chính: “Huyền thoại đất thiêng” (tổ hợp những câu chuyện dân gian, thần thoại về cội nguồn dân tộc, những linh vật thiêng liêng gắn với miền đất quê hương xứ sở sẽ được thể hiện bằng ánh sáng và hình ảnh); “Hương sắc Tây Đô” tái hiện Ninh Kiều bằng công nghệ trình chiếu hiện đại và “Hội tụ và tỏa sáng” giới thiệu Cần Thơ hướng tới phát triển thành đô thị hiện đại bậc nhất ĐBSCL và cả nước.

Anh Minh