Print

Bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp sẽ diễn ra ngày 23/5/2021

Thứ Ba, 17 /11/2020 16:21

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 17/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Ngày bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, với tỷ lê 96,47% tổng số ĐBQH tán thành.

Theo Tờ trình của Ủy ban TVQH, Điều 4, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định, Quốc hội quyết định Ngày bầu cử toàn quốc với cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Điều 5, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng quy định, Ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, Ủy ban TVQH kính trình Quốc hội xem xét, quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, trong điều kiện bình thường, dự kiến là ngày Chủ nhật 23/5/2021.

Như vậy, với kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội, Ngày bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là ngày Chủ nhật 23/5/2021. Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định rõ, Ủy ban TVQH, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Ngay sau đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Theo đó, Nghị quyết quyết nghị: Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa hoàn thành, chậm triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả theo yêu cầu của Quốc hội.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung: Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, trình Quốc hội ban hành các luật để triển khai thi hành Hiến pháp, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia khác, quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch tỉnh. Công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch. Năm 2021, hoàn thành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, bảo đảm cân đối nguồn cung- cầu năng lượng. Khẩn trương trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Sớm xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị, gắn xây dựng kế hoạch và thực hiện quy hoạch với phát triển thị trường nhà ở, thị trường bất động sản.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021- 2025, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Xây dựng, triển khai Hệ thống Thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nhà nước. Sớm ban hành quy định về quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Có chính sách mới thu hút doanh nghiệp FDI liên kết đầu tư, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Triển khai kịp thời các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, đầu tư công, bảo đảm an toàn nợ công.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên bố trí đủ quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua nhà ở xã hội. Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý và đầu tư xây dựng công trình. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong việc điều chỉnh quy hoạch, chất lượng công trình xây dựng, các dự án phát triển nhà ở chậm triển khai, quản lý, vận hành nhà chung cư.

Đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa giáo dục- đào tạo. Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Chủ động, tích cực làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Khắc phục tình trạng chất lượng KCB chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng, miền. Ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KCB BHYT, xã hội hóa tại các bệnh viện công lập, chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế nói chung và nhân viên y tế thôn, bản nói riêng...

VT