Print

Thuốc lá: Nguyên nhân làm gia tăng hộ gia đình nghèo đói

Thứ Ba, 17 /11/2020 16:33

Người nghèo và người nghèo cùng cực có xu hướng hút thuốc lá nhiều nhất; trên toàn cầu, 84% người hút thuốc lá sinh sống tại các quốc gia đang phát triển.

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, tỷ lệ người nghèo sử dụng thuốc lá có xu hướng cao hơn người có thu nhập khá. Hộ gia đình nghèo đói cũng chi tiêu nhiều hơn trong thu nhập của họ cho nhu cầu thuốc lá. Tiền chi cho thuốc lá, rõ ràng, không thể so sánh với tiền chi cho các nhu cầu cơ bản của con người như thực phẩm, chỗ ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Ngược lại, còn làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói của người sử dụng thuốc lá, cũng như gia đình họ, vì người sử dụng có nguy cơ bệnh tật, tử vong cao vì các bệnh ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp... Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá cung cấp việc làm cho hàng triệu lao động, song có một nghịch lý là đại đa số lao động làm việc trong ngành này có thu nhập khiêm tốn, trong khi các tập đoàn, công ty thuốc lá lớn thu về nguồn lợi nhuận kếch xù.

Những con số biết nói

Các nghiên cứu cho thấy, người nghèo và người nghèo cùng cực có xu hướng hút thuốc lá nhiều nhất; trên toàn cầu, 84% người hút thuốc lá sinh sống tại các quốc gia đang phát triển.

Ở cấp độ quốc gia, lượng tiêu thụ thuốc lá thay đổi theo nhóm kinh tế - xã hội. Ở nhiều quốc gia, tính trên trình độ phát triển và thu nhập, người nghèo là đối tượng hút thuốc lá nhiều nhất, đồng thời, cũng là đối tượng chịu “gánh nặng” kinh tế và bệnh tật do thói quen sử dụng thuốc lá nhiều nhất.

Về tỷ lệ hút thuốc ở nam giới, theo một thống kê ở tỉnh Chennai (Ấn Độ) vào năm 1997, tỷ lệ này cao nhất ở nhóm dân số mù chữ (64%) và giảm dần theo số năm đi học (trong đó, xuống khoảng 1/5 (21%) ở người đã tốt nghiệp PTTH).

Một nghiên cứu ở Vương quốc Anh chỉ ra, 10% nữ giới và 12% nam giới ở nhóm kinh tế - xã hội cao nhất hút thuốc lá, trong khi tỷ lệ này ở nhóm kinh tế- xã hội thấp nhất là 35% nữ giới và 40% nam giới.

Các hộ gia đình nghèo nhất ở Bangladesh chi tiêu cho thuốc lá nhiều gấp 10 lần so với chi tiêu cho giáo dục. Ở cấp quốc gia, hơn 10,5 triệu người Bangladesh hiện đang bị suy dinh dưỡng có thể có một chế độ ăn uống đầy đủ nếu số tiền chi cho thuốc lá được chi vào thực phẩm.    

Một số trẻ em đường phố và người vô gia cư ở Ấn Độ chi tiêu cho thuốc lá nhiều hơn chi tiêu thực phẩm, giáo dục hoặc tiết kiệm để ổn định đời sống.

Kết quả sơ bộ từ một nghiên cứu tại ba tỉnh, thành của Việt Nam cho thấy, trong một năm, người sử dụng thuốc lá dành chi phí cho thuốc lá nhiều hơn 3,6 lần so với giáo dục; nhiều hơn 2,5 lần so với quần áo; nhiều hơn 1,9 lần so với chăm sóc sức khỏe.

Hộ gia đình có thu nhập thấp ở Ai Cập dành hơn 10% chi tiêu cho thuốc lá; hộ gia đình nghèo ở Morocco chi tiêu cho thuốc lá gần bằng mức chi cho giáo dục; hộ gia đình nghèo, nông thôn ở Tây Nam Trung Quốc chi hơn 11% tổng chi tiêu gia đình cho thuốc lá.

Ở nhiều quốc gia, người lao động chi một phần đáng kể tiền lương cho thuốc lá.

Tại Hoa Kỳ, 71% người nông dân trồng thuốc lá có thu nhập dưới 20.000 USD/năm và hầu hết làm các việc phi nông nghiệp để bổ sung thu nhập. Ngược lại, người thu gom rác kiếm được trung bình hơn 29.000 USD/năm.

Tốn công, rủi ro sức khỏe khi trồng thuốc lá

Theo một nghiên cứu ở Brazil, để thu hoạch được thuốc lá, cần tới 3.000 giờ lao động/ha/năm, trong khi đậu chỉ cần 298 giờ/ha/năm và ngô là 265,15/ha/năm. Có thể nói, trồng thuốc lá cực kỳ tốn công và đòi hỏi chi phí đầu tư về phân bón, thuốc trừ sâu đáng kể. Không những vậy, phân bón, thuốc trừ sâu thường được tập đoàn, công ty thuốc lá bán cho người nông dân vào đầu mùa trồng trọt, khiến họ sa vào nợ nần và lợi nhuận kiếm được sau mùa vụ có khi không đủ để trang trải chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, có rất nhiều nguy cơ sức khỏe đối với người hoạt động trong công nghiệp thuốc lá, nhất là đối với lao động trẻ em, như việc tiếp xúc lâu ngày với thuốc trừ sâu hay khả năng ngộ độc nicotine. Ngộ độc nicotine có thể gây tử vong, mặc dù việc quá liều nghiêm trọng hoặc gây tử vong là rất hiếm. Những người thu hoạch hoặc trồng thuốc lá thiếu kinh nghiệm, mặc dù không hút thuốc lá vẫn có thể bị bệnh thuốc lá xanh (Green Tobacco Syndrome, GTS)- một loại ngộ độc nicotine do tiếp xúc của da với lá thuốc lá ướt. Các triệu chứng phổ biến bao gồm buồn nôn, nôn mửa, suy nhược, đau đầu, chóng mặt, đau quặn bụng, khó thở và ảnh hưởng huyết áp.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều lo ngại về tác động tới hệ thần kinh của lao động làm việc trong công nghiệp thuốc lá khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu Organophosphat (một nghiên cứu sơ bộ cho thấy, tỷ lệ trầm cảm và tự tử của công nhân, nông dân trồng thuốc lá ở tăng lên đáng kể trong những năm gần đây).

Tùng Anh (Theo HAM)