Print

Myanmar: Chi phí chăm sóc sức khỏe dự kiến tăng lên 14,98 tỷ USD vào năm 2029

Thứ Tư, 18 /11/2020 16:25

Hiện tại và trong tương lai, nền y tế Myanmar được dự báo là gặp nhiều thách thức do các chỉ số về y tế và sức khỏe còn yếu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

 Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Myanmar hiện có 6,1 bác sỹ trên 10.000 dân, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia châu Á như Việt Nam (11,9 bác sỹ/10.000 dân), Singapore (19,5 bác sỹ/10.000 dân) hay Nhật Bản (23 bác sỹ/10.000 dân).

 

Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, bình quân tuổi thọ người dân thời gian gần đây cũng được cải thiện, song khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân do tình trạng thiếu cơ sở y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân số thiểu số; cơ sở hạ tầng và giao thông một số địa phương còn rất kém phát triển; một số nơi thiếu thiết bị y tế, nhân lực y tế và thuốc, vật tư y tế.

Cũng giống như các quốc gia trong khu vực ASEAN, mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân được Myanmar tái khẳng định thông qua việc công bố Kế hoạch Y tế Quốc gia (National Health Plan, NHP) vào năm 2017. NHP chủ yếu hướng đến mở rộng khả năng tiếp cận gói dịch vụ y tế thiết yếu cơ bản cho toàn bộ dân số, song vẫn phải bảo đảm an toàn tài chính. NHP có ý nghĩa to lớn đối với nền y tế Myanmar, với nhà cung cấp dược phẩm, y tế tư nhân và đặc biệt là với người dân.

Hồi tháng 10/2020, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã phê duyệt khoản vay 30 triệu USD để hỗ trợ Myanmar ứng phó với đại dịch Covid-19, nhất là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân số thiểu số- nơi người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thiết yếu khác. Khoản vay được Chính phủ sử dụng để đầu tư vào 31 bệnh viện tuyến huyện, thị xã trên cả nước, bao gồm nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc sức khỏe lâm sàng cho người bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn; nâng cao năng lực nguồn nhân lực y tế để giúp hệ thống y tế Myanmar có thêm nền tảng để ứng phó với đại dịch Covid-19 và các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng trong tương lai.

Riêng về đại dịch Covid-19, ngày 24-25/3/2020, Myanmar thông báo 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên, sau nhiều tuần không có ca bệnh nào dù quốc gia này có đường biên giới với Thái Lan và Trung Quốc. Ngay lập tức, Myanmar đóng cửa tất cả cửa khẩu dành cho du khách quốc tế; đình chỉ tạm thời việc nhập cảnh đối với công dân nước ngoài tại tất cả các cửa khẩu cho đến khi có thông báo mới mặc dù việc này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công nghiệp du lịch (năm 2019, có khoảng 200.000 du khách nước ngoài đến Myanmar mỗi tháng thông qua biên giới trên đất liền, phần lớn là du khách đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Australia, Anh, Ấn Độ, Malaysia và Singapore); ra quyết định bắt buộc cách ly và giám sát 14 ngày đối với người đến từ các quốc gia bùng phát mạnh dịch Covid-19, sắp xếp các khu cách ly cho công dân trở về từ nước ngoài tại các tu viện, sân vận động, khách sạn; hủy bỏ Lễ hội té nước Thingyan và các lễ hội truyền thống khác...

Tùng Anh (Theo HAM)