Print

Nhiều lao động mất việc được giới thiệu việc làm mới

Thứ Năm, 19 /11/2020 12:51

Với những ưu việt của chính sách BH thất nghiệp, trong những năm gần đây, nhiều LĐ đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được tư vấn, giới thiệu và đã quay trở lại thị trường lao động, không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 Hết tháng 9/2020, Quảng Trị đã có gần 4.000 NLĐ đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng lao động đề nghị hưởng thất nghiệp gia tăng cao, bên cạnh NLĐ tại các DN trên địa bàn còn có hơn 50% là lao động bị thất nghiệp trở về từ các thị trường lao động lớn như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng. Phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề may, giày da, dệt, nhuộm, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống... với độ tuổi từ 25- 40 và không có bằng cấp, chứng chỉ nghề.

Báo cáo của Trung tâm DVVL tỉnh Hải Dương cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến. Trong 9 tháng đầu năm 2020, đã có 12.238 lượt người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 4.576 người so với cùng kỳ năm 2019 (tăng gần 1,6 lần). Trong đó, Trung tâm DVVL tỉnh đã ban hành quyết định cho 10.731 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 3.548 người. Tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp hơn 187 tỷ đồng, tăng hơn 84 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu tập trung vào các đối tượng là lao động phổ thông, tập trung ở các ngành nghề may, thêu, giầy da, lắp ráp điện tử...

Theo ông Nguyễn Văn Trị- Trưởng phòng Đào tạo nghề (Trung tâm DVVL Quảng Trị), để tăng sự lựa chọn nghề phù hợp với xu thế thị trường cho NLĐ, nhất là NLĐ thất nghiệp, Trung tâm cố gắng đa dạng ngành nghề, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với đối tượng tham gia về thời gian, chương trình học. Trong quá trình đào tạo, luôn chú trọng phần thực hành, giúp học viên học xong có thể tự kinh doanh hoặc đảm bảo tay nghề khi tìm việc làm. Hiện Trung tâm đang triển khai đào tạo hơn 20 nghề gồm: Nghề may, trang điểm thẩm mỹ, kỹ thuật pha chế đồ uống, làm bánh, lái xe ô tô… cho NLĐ thất nghiệp, trong đó nghề kỹ thuật pha chế các loại đồ uống có số lượng người đăng ký học nhiều nhất. Sau khóa học, các học viên đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ; nhiều học viên sau khi học xong đã tìm được việc làm.

Năm 2020, số lượng lao động thất nghiệp đăng ký học nghề tăng cao so với năm 2019 song số lớp được mở để hỗ trợ học nghề chưa đáp ứng được nhu cầu do số lượng học viên tối thiểu phải đủ 20 người/nghề/lớp. Bên cạnh đó, có một số nghề Trung tâm gửi học viên đào tạo tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh nhưng cũng vì không đủ số lượng học viên theo quy định nên các cơ sở không thể mở lớp.

Mặt khác, NLĐ chỉ được hưởng hỗ trợ học nghề miễn phí theo chính sách BH thất nghiệp trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ muốn học nghề phải nộp học phí 2 triệu đồng/khóa học. Phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, khi bị thất nghiệp, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống. Trước tình hình này, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp; tìm kiếm, kết nối nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước nhằm thực hiện tốt hơn nữa chính sách BH thất nghiệp đối với NLĐ.

Dưới góc độ khác, ông Nguyễn Đức Cường- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình cho biết, chính sách BH thất nghiệp có hiệu lực từ đầu năm 2009. Đây là chính sách có liên quan mật thiết đến cải thiện điều kiện việc làm, về lâu dài đảm bảo an sinh xã hội, là động lực thúc đẩy sự tiến bộ xã hội nhằm bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ bị mất việc làm, thông qua các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Triển khai thực hiện chính sách, ngay từ đầu năm 2019, Sở đã tổ chức tập huấn Luật Việc làm cho gần 600 cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH các cấp, trong đó tập trung giải thích, hướng dẫn những điểm mới về chính sách BH thất nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức về chính sách BH thất nghiệp cho cán bộ quản lý Nhà nước. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh duy trì 3 văn phòng tiếp nhận hồ sơ về BH thất nghiệp tại 3 huyện có nhiều DN và có đông lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ trong việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; bám sát theo các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BH thất nghiệp nhằm hỗ trợ kịp thời cho NLĐ đến đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm theo đúng quy định.

Hằng tháng, quý, Sở đều cử lãnh đạo, cán bộ Phòng Việc làm đến Trung tâm DVVL để kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện chính sách BH thất nghiệp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; hướng dẫn thực hiện các quy định mới về BH thất nghiệp; thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan BHXH việc thực hiện chính sách về BH thất nghiệp được đầy đủ, đúng thời gian vả chính xác hơn. Ngoài ra, còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, tổ chức các lớp tập huấn chính sách BH thất nghiệp cho các cơ quan, doanh nghiệp và NLĐ nắm và hiểu rõ về chính sách BH thất nghiệp. Tuyên truyền để NLĐ nắm được khi tham gia BH thất nghiệp, NLĐ mất việc làm thì quỹ BH thất nghiệp sẽ có những chế độ trợ cấp đảm bảo cho NLĐ. Quan trọng hơn là các biện pháp hỗ trợ NLĐ tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới và được hưởng BHYT. Nhờ có những chính sách đó, trong những năm gần đây, nhiều NLĐ đến Trung tâm DVVL đã được tư vấn thông tin giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động và không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

V.Thu