Print

Chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng

Thứ Ba, 24 /11/2020 14:15

“Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết, nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, vừa diễn ra sáng nay (24/11).

Tại Hội nghị lần này, sau khi nghe Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020, các đại biểu đã được nghe một số tham luận của các bộ, ngành, địa phương và thảo luận về những vấn đề liên quan. Đáng chú ý là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những khó khăn và kết quả đạt được trong xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến DN.

“Chúng tôi, cộng đồng DN đánh giá rất cao sự cầu thị, lắng nghe từ Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ về những sáng kiến, kiến nghị của cộng đồng DN”- ông Lộc nói. Đồng thời, ông Lộc cũng khẳng định, xu hướng phát triển bền vững, nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo, hội nhập, cạnh tranh gay gắt đang đòi hỏi cải cách đối với hệ thống luật pháp cần phải mạnh mẽ hơn...

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc thực thi pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây vẫn là khâu yếu. Bởi, thực tế cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, nhất là về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… Do đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cần phải chuyển đổi tư duy, nhận thức trong vấn đề này, vì trong một xã hội mà mọi người tuân thủ pháp luật thì xã hội đó mới phồn vinh và phát triển.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu kết luận Hội nghị. Theo đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, một quốc gia thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên là thể chế, pháp luật. “Chúng ta thường hay lo các vấn đề mang tính sự vụ, dự án này, dự án kia mà chưa quan tâm nhiều đến công tác xây dựng thể chế”- Thủ tướng chia sẻ. Đồng thời, lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần phải sửa lại thói quen làm việc, phải quan tâm nhiều hơn nữa đến thể chế chính sách.

Theo Thủ tướng, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ đã coi xây dựng thể chế là nhiệm vụ trung tâm. Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, trách nhiệm của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế rất lớn, nên nếu có khuyết điểm trong công tác này, thì Chính phủ nhận trước tiên. Thủ tướng cũng cho rằng, hệ thống pháp luật của Việt Nam cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi; thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; bảo đảm sự đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị; sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền XHCN…

Tuy nhiên, công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động thể chế vẫn còn hạn chế; vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, công tác thi hành pháp luật còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng “nợ đọng” quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để…

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Khắc phục cho được sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan trong việc lấy ý kiến, lắng nghe lẫn nhau để hoàn thiện pháp luật.

Cụ thể, Bộ Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.

Các bộ, ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

Đặc biệt, cần phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. “Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết, nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Đồng thời, Thủ tướng cũng lưu ý, phải quan tâm đặc biệt để đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật- đây là một trong 3 đột phá đã được Đảng ta xác định.

Nam Điền