Print

Cần ưu tiên mở rộng một số nhóm đối tượng nhận trợ giúp xã hội

Thứ Tư, 25 /11/2020 11:16

Hiện các nhóm đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng không ngừng được mở rộng, ngày càng tăng về số lượng và tỷ lệ so với dân số. Tuy nhiên, cần mở rộng thêm đối tượng người cao tuổi hộ nghèo, trẻ em nhiễm HIV hộ cận nghèo… nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho gần 3,2 triệu đối tượng, với tổng kinh phí trên 17.000 tỷ đồng; đồng thời đã có 11 tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng hưởng chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, cả nước có 1,8 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội; khoảng 10.000 người cao tuổi đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 95% người cao tuổi có thẻ BHYT; hơn 1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ hằng năm; 106 BV có Khoa Lão khoa; hơn 1,57 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 9.575 xã, phường, thị trấn thành lập được Quỹ chăm sóc với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng; 1.900 CLB liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập ở 55 tỉnh, thành phố và thu hút 65.000 người cao tuổi tham gia.

Nhận định về công tác trợ giúp xã hội, bà Vũ Thị Hải Yến- Phó Vụ trưởng Vụ HCSN (Bộ Tài chính) cho biết, cơ chế huy động nguồn lực, mức trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Theo đó, về kinh phí trợ giúp đột xuất giai đoạn 2011-2019, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ địa phương 913.313 tấn gạo, trị giá khoảng 8.900 tỷ đồng; dự kiến trong năm 2020 xuất cấp 120.000 tấn. Các địa phương cũng đã tổ chức huy động ngân sách địa phương, cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng.

Trợ cấp xã hội ở Việt Nam được thiết kế hướng vào mục tiêu bao phủ các nhóm đối tượng theo nguyên tắc vòng đời, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của con người trong suốt cuộc đời. Các nhóm đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng không ngừng được mở rộng, ngày càng tăng về số lượng và tỷ lệ so với dân số. Mức chuẩn trợ cấp xã hội được xây dựng trên nguyên tắc dựa trên nhu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu của dân cư, được điều chỉnh phù hợp với khả năng cân đối của NSNN theo từng thời kỳ. Từ năm 2007 đến năm 2013, mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh 3 lần, tăng 2,25 lần (năm 2007 là 120.000 đồng, năm 2010 là 180.000 đồng, năm 2015 là 270.000 đồng); các mức trợ cấp xã hội cụ thể được thiết kế theo hệ số 5 bậc cho các nhóm đối tượng sống tại cộng đồng và 5 bậc khác cho các nhóm đối tượng ở cơ sở trợ cấp xã hội theo mức độ khó khăn và nơi sinh sống.

Cũng theo bà Vũ Thị Hải Yến, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2014, nhưng do chưa quan tâm đến nguồn lực đảm bảo, dẫn đến không thực hiện được đầy đủ và kịp thời. Cụ thể: Từ ngày 1/1/2015, thực hiện đối với người thuộc hộ nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, đối tượng sống trong cơ sở bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 74/NQ-CP của Chính phủ; từ ngày 1/1/2016 mới thực hiện trợ cấp cho toàn bộ đối tượng. Về điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp, mức chuẩn trợ cấp theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP tương đương với 25 kg gạo, bằng gần 20% mức lương cơ sở, chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của đối tượng; từ năm 2013 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh mức lương cơ sở và mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp NCC với cách mạng tăng 4 lần, tăng 30%; chuẩn nghèo thu nhập 2 lần, tăng 75%. Tuy nhiên, hiện có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến cách tiếp cận hỗ trợ đối tượng (tiếp cận theo quyền con người hay theo nhu cầu).

Như vậy, theo bà Yến, việc đề xuất cơ chế huy động nguồn lực, điều chỉnh mức trợ giúp xã hội phải đảm bảo phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng trợ giúp hằng tháng cần ưu tiên mở rộng một số nhóm đối tượng như: Nhóm người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến đủ 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống ở miền núi, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang (204.500 đối tượng); nhóm trẻ em nhiễm HIV thuộc hộ cận nghèo (2.823 đối tượng); nhóm trẻ em dưới 16 tuổi thuộc một số trường hợp tăng 17 tỷ đồng (mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng trợ cấp xã hội; cả cha và mẹ đang hưởng trợ cấp xã hội; cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng trợ cấp xã hội; cha hoặc mẹ đang hưởng trợ cấp xã hội...).

Vũ Thu