Print

Ấn Độ: Không có BHYT, người dân thêm nghèo đói vì Covid-19

Thứ Tư, 02 /12/2020 10:23

Aghan Singh là một thợ cơ khí làm việc tự do tại thị trấn nhỏ Bilaspur, bang Chhattisgarh, Ấn Độ. Đầu tháng 7, mẹ anh bị sốt, khó thở và được xác định mắc Covid-19; không có nhiều lựa chọn, Singh đành đưa mẹ mình đến một bệnh viện tư nhân có tiếng ở gần đó.

Rất nhanh chóng, mẹ Singh được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt khi ngày càng khó thở. Chỉ trong 8 giờ đầu tiên, Singh đã phải đặt cọc 34.000 rupee (455 USD) và sau đó trả thêm 196.000 rupee trong bốn ngày tiếp theo. Để có tiền chữa bệnh cho mẹ, Singh đã phải bán 1ha đất mà anh sở hữu ở làng quê mình.

Bất chấp mọi nỗ lực, tình trạng của mẹ Singh ngày càng xấu đi và bà qua đời vào ngày 16/7. Chưa hết đau buồn về sự ra đi của người mẹ thân yêu, Singh còn phải lo lắng vì tiền bạc trong nhà gần như đã cạn kiệt bởi những khoản lớn phải chi trả cho bệnh viện. 

Cũng tại bang Chhattisgarh, Savani Bai, 60 tuổi, ở làng Dhanokhar, xuất hiện các triệu chứng nhẹ của Covid-19, bà gọi điện đến tổng đài trợ giúp nhờ tư vấn và được được khuyên nên đến bệnh viện. Trớ trêu thay, tất cả các giường bệnh ở bệnh viện công đã kín người và người phụ nữ này buộc phải chuyển sang bệnh viện tư nhân ở Bilaspur, tương tự như trường hợp mẹ của Singh.

10 ngày nằm viện điều trị, Savani Bai đã phải chi 85.000 rupee (1.137 USD), đáng ngại hơn, để có khoản tiền trang trải viện phí, bà phải thế chấp trang trại của mình.

Hai trường hợp kể trên khá tiêu biểu cho những người dân Ấn Độ, họ buộc phải đến các bệnh viện tư nhân để điều trị Covid-19 trong bối cảnh các bệnh viện công không đáp ứng được nhu cầu vì vấn đề kinh phí hoạt động hay quy mô, chất lượng khó đảm bảo. Đa số người dân Ấn Độ không có lựa chọn nào khác. Chi phí y tế nói chung vốn đã đắt đỏ và chi phí tại các cơ sở y tế tư nhân thì còn đắt đỏ hơn khi nhu cầu tăng cao. Ví dụ, chi phí cho mỗi lần xét nghiệm Covid-19 thực tế chỉ ở mức 1.100 rupee nhưng tại các cơ sở y tế tư nhân, họ có thể tính phí 3.800 rupee.

Ở một khía cạnh khác, theo thống kê có tới 85,9% dân số nông thôn và 80,9% dân số thành thị của Ấn Độ không có BHYT. Ngay cả khi hệ thống bệnh viện công đáp ứng được nhu cầu điều trị, việc không có BHYT cũng dễ đẩy người dân ở quốc gia này rơi vào đói nghèo khi chi phí khám, chữa bệnh luôn là một vấn đề nan giải.

 Minh Đức (The Asia Times)