Print

Cần cải cách chính sách BHYT đối với trẻ em dưới 16 tuổi

Thứ Tư, 02 /12/2020 19:26

Sáng 2/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 11. Tại phiên họp, bên cạnh đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý tình hình kinh tế-xã hội, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết 01 năm 2021, Thủ tướng còn giao Bộ Y tế cân nhắc sớm có đề án cải cách chính sách BHYT đối với trẻ em dưới 16 tuổi.

Tại phiên họp, đại diện Bộ KH-ĐT đã báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2020. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, xuất siêu kỷ lục, dự trữ ngoại hối cao. Niềm tin của người dân, DN, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới- qua đó thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.

Trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn, là đối tác quan trọng của Việt Nam, nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm. Mặc dù còn khó khăn, thách thức, nhiều cơ hội vẫn đang rộng mở để Việt Nam có thể nắm bắt, vươn lên. Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững, tạo điều kiện tốt để tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án nối lại hoạt động thương mại, đầu tư.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến kết quả mà Việt Nam đạt được; cũng như đề xuất giải pháp cho thời gian tới. Đồng thời, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết 01- một nghị quyết quan trọng của năm 2021.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức trong thời gian qua đã “thử thách lòng người, khả năng điều hành của các cấp, các ngành và Chính phủ”. Đồng thời cho rằng, với quyết tâm, ý chí cao, đoàn kết, chúng ta đã giải quyết công việc kịp thời, đạt nhiều kết quả. Theo đó, hoạt động kinh tế-xã hội trên đà tích cực, nhất là nghị quyết về các gói hỗ trợ đã được tháo gỡ. “Khả năng trong năm 2020, chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5% và phấn đấu đạt 3%”- Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, với chỉ số CPI bình quân 11 tháng tăng 3,51% so với cùng kỳ, có thể nói, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 là khả thi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phục hồi nhờ cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước tăng khá trong dịp cuối năm. Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn, khi việc làm lần đầu tiên tăng trưởng 11 tháng. Ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ cam kết đầu năm là tăng trên 41 tỷ USD. “Chúng ta là nước xuất khẩu lương thực đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Thặng dư thương mại xác lập kỷ lục mới, 20 tỷ USD xuất siêu. Kim ngạch 2 chiều sẽ vượt năm 2019”- Thủ tướng chia sẻ.

Bên cạnh đó, kết quả xuất nhập khẩu là một nỗ lực rất lớn, có hiệu ứng tích cực từ hội nhập- trong bối cảnh thương mại thế giới dự báo giảm khoảng 15% trong năm nay. Giải ngân đầu tư công tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với tốc độ giải ngân trong tháng 11 và 11 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được kết quả tích cực, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng cao. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020, góp phần phục hồi xuất khẩu sang Châu Âu, đặc biệt là Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực trong vòng 18 tháng tới, mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu, đầu tư, du lịch, góp phần đẩy mạnh quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều địa phương tuy gặp khó khăn, nhưng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng cũng lưu ý các rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường và chưa được kiểm soát tại nhiều nước; căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán; địa chính trị, thiên tai, lũ lụt phức tạp làm ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Dẫn cảnh báo của các chuyên gia tài chính, Thủ tướng nhấn mạnh “rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu có thể dẫn đến bong bóng tài sản, tài chính”, nên đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục lưu tâm vấn đề này.

Về tác động tiêu cực của bão lụt, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản và đời sống của người dân nhiều tỉnh miền Trung cũng như xuất hiện ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại TP.HCM gần đây, Thủ tướng chỉ rõ: “Những công việc này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt; các bộ, ngành, địa phương cũng đã vào cuộc”. Do đó, chúng ra cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, trên tinh thần bảo vệ tốt sức khỏe người dân, không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5-3%. Đẩy mạnh giải ngân tốt, nhưng đảm bảo chất lượng công trình không được hình thức, lãng phí. Bên cạnh đầu tư công, phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Muốn làm được điều đó, thì phải cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng.

Các cấp, các ngành cũng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ như: Fintech, mobile money, xác thực điện tử, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân. Cùng với đó, Bộ KH-ĐT chủ trì cùng các bộ liên quan phối hợp triển khai gói hỗ trợ ngành hàng không, du lịch, những ngành chịu tác động nặng nề nhất…

Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị ngành y tế cân nhắc sớm có đề án cải cách chính sách BHYT đối với trẻ em dưới 16 tuổi theo tinh thần Luật Trẻ em, trước mắt là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.

Nam Điền