Print

Đảm bảo an sinh xã hội cho người khuyết tật

Thứ Năm, 03 /12/2020 10:33

Mặc dù các quy định pháp luật được ban hành đầy đủ nhưng vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT nên cần phải tạo môi trường phát triển dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng an sinh xã hội đối với NKT…

Theo kết quả Điều tra quốc gia về NKT tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố ngày 11/1/2019, Việt Nam hiện có khoảng hơn 6,2 triệu người (hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên) là NKT. Bên cạnh đó, có gần 12 triệu người (khoảng 13% dân số), sống chung trong hộ gia đình có NKT. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng xu hướng già hóa dân số.

Tỷ lệ người bị khuyết tật ở Việt Nam từ 5 tuổi trở lên là 3,7%; tỷ lệ khuyết tật của nữ giới cao hơn nam giới (nữ là 4,4%; nam là 3,1%), khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (nông thôn chiếm 3,9%; thành thị chiếm 3,3%). Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung có tỷ lệ NKT cao nhất cả nước (4,5%); Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ NKT thấp nhất (đều bằng 2,9%). Tỷ lệ khuyết tật chịu ảnh hưởng mạnh bởi cơ cấu tuổi, nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên có tỷ lệ khuyết tật cao nhất (20,7%), cao hơn nhiều so tỷ lệ khuyết tật của cả nước (3,7%).

Cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách BHYT và nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2,3%) tiếp cận được dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với NKT. Đến cấp THPT chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi, so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật. Mặc dù việc đưa trẻ em khuyết tật vào hòa nhập với trẻ em khác và học chung giáo trình đã cho những kết quả tích cực, nhưng chỉ có 2% trường tiểu học và THCS thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về khuyết tật.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Công tác xã hội đối với NKT” vừa qua, ông Cao Đức Phát- Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm đến công tác NKT, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của NKT, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững, giúp NKT ngày càng tự tin, thuận lợi hơn hòa nhập vào đời sống xã hội. Các cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp NKT, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để NKT phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội… “Mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp NKT, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu nguyện vọng của NKT. Vẫn còn NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác NKT là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT. Một số nơi công tác tổ chức thực hiện pháp luật về NKT còn chậm, chưa toàn diện; công tác xã hội đối với NKT còn nhiều bất cập, hạn chế…”- ông Phát nhấn mạnh.

Đến nay, cả nước có hơn một triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Bên cạnh nguồn lực từ NSNN, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội, cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt mọi mặt của NKT. Năm 2019, đã hỗ trợ cho 2.277 NKT vay vốn để tạo việc làm, duy trì việc làm và mở rộng việc làm; trong đó, riêng Hội Người mù Việt Nam được giao gần 51 tỷ triển khai tại 51 tỉnh, thành phố cho gần 10.000 hộ người mù tạo việc làm ổn định cho hơn 13.000 lao động là NKT. Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam đã giúp đỡ 4,1 triệu lượt NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Văn phòng Ủy ban Quốc gia NKT hỗ trợ sinh kế cho trên 150 gia đình có NKT tại 8 tỉnh, thành phố…

Tuy nhiên, hiện việc xác nhận và cấp giấy chứng nhận NKT cho NKT nhẹ đạt kết quả thấp. Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp; số lượng NKT được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; việc thành lập tổ chức của NKT ở một số địa phương khó khăn, do không có sự tham gia của đại diện tổ chức hội của NKT tại cấp xã, phường nên ảnh hưởng đến hoạt động cấp giấy xác nhận khuyết tật ở cấp xã. Chính vì vậy, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về NKT; thúc đẩy kết nối hoạt động của các bộ, ngành để thực hiện chính sách tốt hơn...

Tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại; xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện để NKT tham gia hệ thống BHXH, góp phần tăng nhanh số lượng NKT tham gia mạng lưới an sinh xã hội; khuyến khích NKT có khả năng học tập, lao động khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hòa nhập xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội và giúp đỡ NKT khác…

Nguyệt Hà