Print

Tăng cường hợp tác phòng chống Covid-19, sẵn sàng cho các làn sóng tiếp theo

Thứ Năm, 03 /12/2020 17:38

Sáng nay (3/12), tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc Họp nhóm đối tác y tế năm 2020 với mục tiêu chia sẻ và cảm ơn các đối tác và cộng đồng quốc tế về những hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19; trao đổi về bài học của Việt Nam trong phòng, chống dịch; một số xu hướng quốc tế trong việc tìm kiếm, tiếp cận vaccine và các phương pháp điều trị mới hiệu quả đối với Covid-19 và các giải pháp chuẩn bị cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Dịch bệnh không có biên giới

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam chính là sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị xã hội, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, sâu sát của Đảng, Chính phủ, sự tham gia của các bộ, ban ngành, các hội đoàn thể, chính quyền các cấp Trung ương và địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá cao vai trò của hợp tác quốc tế trong ứng phó đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Trong bối cảnh khan hiếm hàng hóa y tế trên toàn cầu, các đối tác quốc tế đã trao tặng cho ngành Y tế hơn 290.300 trang bị bảo hộ cá nhân (PPE), gần 1.400.000 khẩu trang, 740 máy thở, đóng góp lớn vào nỗ lực phòng chống dịch của Việt Nam.

“Những sự hỗ trợ đa dạng, không chỉ về tài chính, vật chất, còn có các tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia đã góp phần giúp đỡ về mặt vật chất cho Việt Nam phòng chống dịch. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế. Ý nghĩa hơn, đó là nguồn hỗ trợ rất lớn về mặt tinh thần, thể hiện mối quan tâm, tin tưởng, và tình đoàn kết trong quan hệ hợp tác đối tác giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Với sự bùng phát của các dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây, Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng dịch bệnh không có biên giới, không một quốc gia/vùng lãnh thổ nào có thể đơn lẻ kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh. Là một quốc gia thành viên có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế, Việt Nam đã hết lòng chia sẻ, chung tay ủng hộ các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong phòng chống dịch. 

Bộ Y tế đã trực tiếp hoặc tham gia trao tặng cho hơn 22 quốc gia bao gồm hơn 2 triệu khẩu trang, máy thở, trang bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm Covid 19… Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề xuất thành lập Kho vật tư y tế ASEAN và hiện đang tham gia tích cực vào quá trình thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó khẩn cấp với các vấn đề y tế công cộng và các bệnh mới nổi. Hoa Kỳ cũng đề nghị Việt Nam là nơi đặt trung tâm CDC khu vực và Chính phủ Việt Nam đã đồng ý với đề nghị này.

Toàn cảnh cuộc họp

Cho đến nay, công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, được thế giới công nhận, trong đó hợp tác đối tác giữ vai trò quan trọng. Từ kết quả đó, chúng ta cần tiếp tục hợp tác trong việc tìm kiếm các giải pháp thiết lập trạng thái bình thường mới, duy trì các biện pháp phòng dịch hiện có và quan trọng là triển khai các hợp tác về phát triển và tiếp cận vaccine và các phương pháp điều trị mới.

Ứng phó rủi ro, phục hồi phát triển

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã cùng thảo luận về các mô hình hợp tác phù hợp với Việt Nam nhằm thúc đẩy việc phát triển và tiếp cận vaccine, các phương pháp điều trị Covid-19 và đặc biệt là các giải pháp, phương hướng hành động trong thời gian tới để bảo toàn, duy trì và nâng cao hiệu quả cho công tác phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta.

TS. Kidong Park cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới

TS. Kidong Park- Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nới chung và Bộ Y tế Việt Nam nói riêng trong thời gian tới để đưa Việt Nam trở thành quốc gia khỏe mạnh và an toàn nhất trên thế giới. “Trường hợp ca nhiễm Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh, là lời nhắc nhở kịp thời cho tất cả chúng ta rằng “đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc và nguy cơ vẫn còn cao và chúng ta cần cảnh giác và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống lây nhiễm mọi lúc”, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.

Bà Momoe Takeuchi- Điều phối nhóm Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (WHO Việt Nam) cho rằng, sau 10 tháng đối phó với Covid-19, Việt Nam cần tiếp tục đảy nhanh đổi mới y tế cơ sở, xây dựng kế hoạch triển khai vaccin Covid-19 quốc gia, thúc đẩy số hóa ngành Y tế, giảm thiểu tác động xã hội và kinh tế của Covid-19.  Việt Nam cần duy trì các chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế. Trong đó cần đảm bảo duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu như tiêm chủng, NCD và phòng ngừa yếu tố nguy cơ, chăm sóc người cao tuổi và tập trung vào kháng kháng sinh. Đi kèm với đó cần tiếp tục xây dựng hệ thống y tế bền vững và chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh hơn, bảo vệ những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Tận dụng khủng hoảng như một cơ hội, sử dụng các đổi mới và tạo ra một trạng thái mới tốt hơn...

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá: “Covid-19 là phép thử đối với hệ thống y tế của một quốc gia, là tiền đề để ngành Y tế rà soát, nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại. Đặc biệt trong việc ứng phó với các mối đe dọa về y tế công cộng và các vấn đề sức khỏe toàn cầu. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu chuẩn bị một hệ thống y tế toàn diện, có năng lực, sẵn sàng, chủ động, tự lực và bền vững để ứng phó với rủi ro và phục hồi phát triển".

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu trong thời gian tới, ngành Y tế cần tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở, bảo đảm chất lượng, trình độ, năng lực và khả năng tiếp cận và kết nối cả về chiều rộng và chiều sâu. Đây là thách thức lớn với hơn 11.000 trạm y tế xã phường trải dài đất nước. Đồng thời, nhân lực y tế cần được quy hoạch, đào tạo đánh giá một cách bài bản và chiến lược nhằm nâng cao nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, phát triển chiến lược lĩnh vực điều trị, xây dựng hệ thống dự phòng cho bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây, sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng, hướng tới các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, vị thành niên, phụ nữ, người cao tuổi, nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng là vấn đề cần được quan tâm. Đặc biệt, đổi mới y tế phải đi kèm với đổi mới tài chính, BHYT và sử dụng CNTT, số hóa như đòn bẩy để đẩy nhanh quá trình đổi mới.

Bảo Hiệp