Print

Tuyệt đối không để lọt người nguy cơ mắc Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện

Thứ Năm, 03 /12/2020 17:52

Ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn- Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 đã ký công văn gửi các BV trực thuộc Bộ Y tế, Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các bộ, ngành và các BV thuộc trường Đại học về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh. 

Nguy cơ lây nhiễm rất cao

Sau 88 ngày không có dịch trong cộng đồng, TP.HCM đã phát hiện một số ca nhiễm Covid-19 mới gồm ca bệnh số 1347, 1348, 1349… Điều đặc biệt nguy hiểm là các ca này đã lây từ người cách ly sau nhập cảnh và lan ra cộng đồng. Tại công văn gửi các BV trực thuộc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Hiện đang là mùa Đông ở khu vực phía Bắc và cũng là thời điểm cuối năm- các đơn vị đang chuẩn bị tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong đó có những sự kiện lớn. Do đó, nguy cơ lây nhiễm rất cao. 

Tuyệt đối không để lọt người có nguy cơ mắc Covid-19 xâm nhập vào BV

Để tránh lây lan dịch, thực hiện “mục tiêu kép” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo các Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân cần ưu tiên cao nhất cho việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, đối với các BV, cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các văn bản, chỉ thị, chỉ đạo, Bộ tiêu chí BV an toàn của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã ban hành. 

Các BV phải thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ. Tuyệt đối không để lọt những người nguy cơ xâm nhập vào bên trong BV. Rà soát các khoa có người bệnh có nguy cơ cao như hồi sức tích cực, khoa điều trị người cao tuổi, chạy thận nhân tạo, tim mạch, hô hấp… Kiểm soát chặt người vào- ra, không để hoặc hạn chế tối đa việc người nhà người bệnh chăm sóc. 

Đối với Sở Y tế, Y tế các Bộ, ngành cần chỉ đạo các BV trực thuộc đánh giá lại Bộ tiêu chí BV an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp cấp; chỉ đạo toàn bộ các trạm y tế, phòng khám công lập, tư nhân trên địa bàn triển khai áp dụng ngay “Bộ tiêu chí Phòng khám an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp cấp”… 

Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu sở y tế, y tế các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 phải tập trung chữa bệnh, không để diễn biến nặng, tử vong. Riêng đối với Sở Y tế TP HCM, Phó trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đề nghị Giám đốc Sở quyết liệt chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí BV và phòng khám an toàn, đặc biệt quan tâm công tác sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm để phát hiện ngay những trường hợp nghi ngờ và ca bệnh mới nếu có. Ngoài ra, cần thành lập các đoàn đi kiềm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ưu tiên các cơ sở có nguy cơ cao, có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca bệnh mới.

Triệt để truy vết F1, F2 bệnh nhân Covid-19

Cũng trong ngày hôm nay, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc ban hành “Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính”, phổ biến đến các cơ quan, địa phương để thực hiện.

Theo đó, Bộ yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo hướng dẫn, việc tiến hành truy vết phải diễn ra ngay khi có thông tin ca bệnh, xác định nhanh các “mốc dịch tễ” trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc. Các đơn vị liên quan cần áp dụng nhiều biện pháp truy vết để tránh bỏ sót, đồng thời đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành truy vết F1 trong thời gian sớm nhất.

Cụ thể, cách thức truy vết F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm 5 bước cơ bản. Thứ nhất, xác định “mốc dịch tễ”- nơi ca bệnh đã đi đến hoặc tham gia. Người chịu trách nhiệm điều tra là cán bộ điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh hoặc Trung tâm y tế (TTYT) cấp huyện cùng chính quyền địa phương và y tế cơ sở. Người điều tra thu thập thông tin về các “mốc dịch tễ” thông qua biểu mẫu đi kèm, ghi rõ tên/địa điểm/thời gian của các “mốc dịch tễ”.

Bộ phận điều tra thông báo các mốc dịch tễ cho bộ phận điều phổi truy vết qua phương tiện nhanh nhất. Bộ phận điều phối thông báo ngay cho chính quyền địa phương, hệ thống giám sát và y tế cơ sở nơi có các “mốc dịch tễ”, đồng thời điều động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương truy vết F1. Trong trường hợp một số “mốc dịch tễ” nằm ngoài địa bàn quản lý, bộ phận điều phối sẽ liên hệ và thông báo “mốc dịch tễ” cho các đơn vị liên quan để phối hợp điều tra truy vết.

Đi kèm với đó, ban chỉ đạo tại địa phương tiến hành triển khai truy vết F1. Các biện pháp có thể sử dụng trong trường hợp này gồm hỏi người bệnh, truy vết tại cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống, truy vết tại các “mốc dịch tễ”, truy vết thông qua phương tiện thông tin đại chúng, truy vết thông qua ứng dụng Bluezone hoặc Viet Nam Health Declaration.

Các đơn vị phối hợp rà soát, hoàn thiện danh sách F1. Tất cả các đội truy vết từ địa phương gửi nhanh danh sách F1 về bộ phận điều phối theo nguyên tắc “truy vết được đến đâu gửi ngay danh sách đến đó”, liên tục cập nhật cho đến khi hoàn thành truy vết. Bộ phận điều phối sẽ tổng hợp ngay danh sách F1 lên hệ thống để sàng lọc thông tin trùng lặp. Danh sách F1 truy vết được thông báo cho chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp để tổ chức cách ly, xử lý theo quy định. 

Ban chỉ đạo phòng chống dịch và chính quyền địa phương tổ chức và bố trí phương tiện đưa người F1 đi cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, cơ quan y tế địa phương và chính quyền tiếp tục rà soát, sàng lọc để đảm bảo F1 được đưa đi cách ly chính xác, đúng đối tượng theo quy định chuyên môn. Việc truy vết F2 thực hiện sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1. Các “mốc dịch tễ” và người tiếp xúc gần F1 cần được truy vết trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế, người tham gia truy vết khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

Quang Hùng