Print

Dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy

Thứ Sáu, 18 /12/2020 15:05

Sáng 18/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Số liệu thu thập nhằm phục vụ công tác hoạch định các chính sách phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả của Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được công bố vào ngày 19/12/2019.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con vẫn là phổ biến. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công Chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình đối với mục tiêu giảm sinh.

Các phân tích chuyên sâu cũng xác nhận tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đáng kể tại Việt Nam. Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức rất cao. TSGTKS bắt đầu tăng tại Việt Nam vào khoảng năm 2004, đã đạt mức 112 bé trai/100 bé gái sau năm 2010 và chững lại từ đó đến nay. Theo phân tích, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai như dư thừa số lượng nam thanh niên. Dự báo cho thấy, nếu TSGTKS vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người; nếu TSGTKS giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2039 thì số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người.

Đặc biệt, kết quả Tổng Điều tra cũng cho thấy, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số, và chỉ số già hóa tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019.

Từ kết quả phân tích chuyên sâu, Tổng cục Thống kê đã đưa ra các dự báo dân số giai đoạn 2029- 2069. Theo đó, dân số Việt Nam năm 2029 là 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người. Trong 5 năm đầu của thời kỳ dự báo (giai đoạn 2019-2024), tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước ta là 0,93%. Trong tương lai, dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069.

Về tỷ số giới tính, Việt Nam sẽ dần lấy lại mức cân bằng, theo phương án trung bình, dự báo đến năm 2026 dân số nam bằng dân số nữ (tỷ số giới tính đạt mức 100 nam/100 nữ); đến năm 2069, tỷ số giới tính của Việt Nam là 101,4 nam/100 nữ.

Giai đoạn 2026-2039, Việt Nam vẫn trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đã tăng và đạt trên 10% vào năm 2026. Đây là giai đoạn Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già. Theo phương án trung bình, dự báo dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Dự báo đây là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007. Thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069) tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20% đến dưới 30%.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Naomi Kitahara- Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đặc biệt lưu ý đến tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của phụ nữ từ 10-19 tuổi (ASFR10) là 11 con/1.000 phụ nữ. “Điều này cho thấy cần phải tăng cường đầu tư để có thể đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm trẻ vị thành niên ở Việt Nam. Cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên, đảm bảo các em được tiếp cận tới các dịch vụ này để đưa ra các quyết định của mình”, bà Naomi nói.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh một xu hướng mới: “nữ hóa” dân số cao tuổi, nghĩa là đa số người cao tuổi là phụ nữ. Thêm vào đó, ngày càng nhiều người cao tuổi sống một mình. Điều này đã trở thành một vấn đề xã hội và cần nhận được sự quan tâm của cả xã hội. “Trước đây, Việt Nam triển khai chương trình điều chỉnh và hạn chế mức sinh và điều này dẫn đến quá trình già hóa dân số nhanh. Bởi vậy, đây là lúc Viêt Nam điều chỉnh khung pháp lý và chính sách sao cho tuân thủ hoàn toàn với các nguyên tắc đề ra tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, nghĩa là mỗi cá nhân và cặp đôi có quyền quyết định tự do lựa chọn và có trách nhiệm về số con, thời gian sinh và khoảng cách giữa các lần sinh”, đại diện UNFPA chia sẻ.

Thái An