Print

Quỹ BH thất nghiệp: “Điểm tựa” lúc khó khăn

Thứ Hai, 04 /01/2021 19:17

Dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến nhiều NLĐ mất việc làm, mất hoặc giảm thu nhập. Chính vì vậy, trong năm 2020, số NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước tăng khoảng 35% và số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp lên tới gần 16.200 tỷ đồng- tăng 40% so với năm 2019. Điều đó đủ thấy, quỹ BH thất nghiệp rất quan trọng đối với NLĐ trong lúc khó khăn.

Giúp NLĐ vượt qua khó khăn

Anh Đinh Tú Nam (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên anh bị công ty cho thôi việc. Ngay sau đó, anh Nam đã làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp, số tiền trợ cấp hơn 5 triệu đồng/tháng đã giúp anh trang trải phần nào cuộc sống gia đình. “Khi làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp, tôi còn được tư vấn, giới thiệu việc làm. Hiện nay, tôi đang tích cực phối hợp với Trung tâm DVVL lựa chọn công việc phù hợp với năng lực, sở trường của mình để có thể đi làm việc trở lại vào đầu năm 2021. Trong lúc chờ công việc mới, không có thu nhập, khoản trợ cấp thất nghiệp đã giải quyết được phần nào khó khăn của tôi và gia đình”- anh Nam tâm sự.

Nhiều NLĐ đã nhận rõ ý nghĩa của chính sách BH thất nghiệp

Còn chị Trần Thị Thắm (sinh năm 1990, phường Quang Trung, TP.Hải Dương) trước đây làm việc tại Công ty TNHH IVS (TP.HCM). Sau 6 năm làm việc, đến tháng 3/2020, do Công ty cắt giảm nhân sự nên chị Thắm quyết định trở về địa phương sinh sống. Trong thời gian làm việc tại Công ty IVS, chị Thắm được Công ty đóng BH thất nghiệp đầy đủ nên khi nghỉ việc, chị đã làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp, với số tiền trợ cấp 9,3 triệu đồng/tháng và thời gian hưởng là 6 tháng. Nhờ đó, chị Thắm đã vượt qua được những khó khăn trong thời gian đầu mất việc; đồng thời còn được Trung tâm DVVL tư vấn hỗ trợ học nghề làm đẹp. Với số tiền tích cóp trước đây cùng với một phần tiền trợ cấp thất nghiệp, hiện chị Thắm đã mở cửa hàng chuyên làm đẹp với thu nhập tương đối ổn định.

Không chỉ anh Nam hay chị Thắm, hiện nay nhiều NLĐ khi làm hồ sơ hưởng BH thất nghiệp cũng rất quan tâm đăng ký tham gia các khoá học nâng cao trình độ tay nghề. Điều họ quan tâm không chỉ là được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, nhanh chóng kiếm được việc làm mới mà đó còn là việc nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.

Theo ông Vũ Trọng Bình- Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), chính sách BH thất nghiệp đã thực sự trở thành “điểm tựa” của NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Đồng thời, giúp người SDLĐ không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ; giảm gánh nặng cho NSNN vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

“Đa phần NLĐ sau khi mất việc đều trông chờ vào chế độ BH thất nghiệp. Tính đến hết tháng 11/2020, cả nước có hơn 1.028.000 người nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp- tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó 986.416 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp- tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2019... Điều này cho thấy, chính sách BH thất nghiệp đã thành công, thu hút đông đảo NLĐ và DN tham gia và cũng đảm bảo cuộc sống cho nhiều người không may bị thất nghiệp”- ông Bình khẳng định.

Thể hiện rõ bản chất an sinh

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), những năm đầu triển khai chính sách BH thất nghiệp, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp còn tương đối thấp với thời gian hưởng ngắn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số chi các chế độ BH thất nghiệp so với số thu vào quỹ BH thất nghiệp bắt đầu gia tăng, từ 52% năm 2015 lên 70% năm 2019 và chỉ trong 10 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ này tăng lên khoảng 90%. Cụ thể: Số thu BH thất nghiệp đến tháng 10/2020 là 15.129 tỷ đồng, nhưng đến hết ngày 31/10/2020 cả nước đã giải quyết chế độ BH thất nghiệp cho 881.895 người với tổng số tiền chi trả 12.988 tỷ đồng- tăng 26,9% so với cùng kỳ 2019; dự kiến đến 31/12/2020 giải quyết hưởng BH thất nghiệp cho 1.006.403 người với tổng số tiền chi trả 16.157 tỷ đồng.

“Nếu 10 tháng đầu năm 2020, toàn quốc có 12.737 người được hỗ trợ học nghề thì ước đến 31/12/2020, đã có 15.107 người được hỗ trợ học nghề. Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, BH thất nghiệp đã thật sự trở thành chỗ dựa của hàng triệu NLĐ, không chỉ giúp họ có nguồn tài chính trong giai đoạn khó khăn mà còn hỗ trợ kinh phí giúp đào tạo lại nghề cho NLĐ, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thị trường lao động”- ông Thọ khẳng định.

Còn theo ông Vũ Trọng Bình, chính sách BH thất nghiệp có được kết quả như hiện nay là do công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với hệ thống Trung tâm DVVL, các đơn vị BHXH đã giải quyết chính sách BH thất nghiệp cho NLĐ kịp thời, thực sự giúp NLĐ đảm bảo duy trì cuộc sống. Do đó, trong năm 2021, Cục Việc làm sẽ tiếp tục đổi mới tư duy và phương pháp làm việc để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ các chính sách phù hợp. “Cục sẽ bắt đầu chuẩn bị hồ sơ sửa Luật Việc làm, hướng tới thể chế hoá các cơ chế vận hành của thị trường lao động, củng cố BH thất nghiệp để thực sự là điểm tựa cho NLĐ và là công cụ để điều phối thị trường, tạo việc làm mới và bền vững”- ông Bình thông tin.

Trong khi đó, theo ông Giang Thanh Long (ĐH Kinh tế Quốc dân), ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-9 khiến nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, còn NLĐ bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, chính trong thời điểm này đã cho thấy, những NLĐ được tham gia BHXH, BHYT đầy đủ- dù phải thực hiện giãn cách xã hội thì vẫn đảm bảo một phần thu nhập, thậm chí được quỹ BH thất nghiệp hỗ trợ tới 60% mức lương hằng tháng với thời gian hưởng tối thiểu 3 tháng và được cấp thẻ BHYT.

“Dù BH thất nghiệp là loại BH ngắn hạn, song lại có vai trò là điểm tựa giúp NLĐ khi không có việc làm được nhận hỗ trợ; được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Do vậy, đây cũng thời điểm chúng ta cần nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm, Luật BHXH để bất kỳ NLĐ nào không may mất việc làm do thiên tai, dịch bệnh… cũng đều được quỹ BH thất nghiệp, quỹ BHYT hỗ trợ”- ông Long nhấn mạnh.

Vũ Thu