Print

Lần đầu thay xương ống chân in 3D hợp kim titanium dạng tổ ong

Thứ Ba, 05 /01/2021 21:03

Chiều 5/1, TS-BS.Lê Văn Tuấn- Trưởng khoa Chấn thương-Chỉnh hình (BV Chợ Rẫy, TP.HCM) cho biết, BV đã thành công khi sử dụng mảnh ghép in 3D hợp kim titanium dạng tổ ong để thay thế xương chày (đoạn nối khớp gối với xương ống chân dưới) mất đoạn cho bệnh nhân ung thư xương.

Trước đó, hồi tháng 3/2019, bệnh nhân H.V.K (33 tuổi) đến BV Chợ Rẫy khám do khối u đầu trên xương chày trái to dần, khiến việc đi lại hết sức khó khăn. Các bác sĩ xác định bệnh nhân K. bị u xương ác tính (Osteosarcoma) đầu trên xương chày trái, nên tiến hành hóa trị tổng cộng 6 đợt. Ngoài ra, các chuyên gia chấn thương chỉnh hình còn phải phẫu thuật cắt rộng bướu, trám xi măng kháng sinh và đặt khung cố định ngoài gối. “Đầu trên xương chày của bệnh nhân bị khuyết hỏng đến 11cm”- BS.Tuấn cho biết thêm.

Bệnh nhân H.V.K tập phục hồi chân sau ca ghép

Theo chuyên gia, với các ca bệnh khuyết hỏng xương chày, hướng điều trị từ trước đến nay là chia nửa xương chày phía trên ghép cho phần xương chày phía dưới. Do đó, sau phẫu thuật trục xương sẽ bị thay đổi, nên hướng điều trị này chỉ phù hợp với những bệnh nhân cao tuổi, ít vận động. Còn bệnh nhân trẻ tuổi thì trục xương thay đổi sẽ gây hạn chế vận động, đi lại rất khó khăn. Ngoài ra, còn nhiều hạn chế khác như: Phẫu thuật kéo dài, vết mổ rộng, mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng... Đáng chú ý, sau khi ghép, quá trình hoá trị và xạ trị sẽ ảnh hưởng đến mảnh ghép.

Trong khi đó, bệnh nhân K. đang trong độ tuổi lao động, lại là trụ cột gia đình. Do đó, hướng điều trị nói trên khó lòng phù hợp. Đứng trước tình huống khó này, các chuyên gia BV Chợ Rẫy cân nhắc đến hướng điều trị mới chưa từng thực hiện tại Việt Nam, đó là sử dụng mảnh ghép in 3D hợp kim titanium dạng tổ ong để thay thế xương chày khuyết hỏng. Đây cũng là đề án được BV Chợ Rẫy ấp ủ, nghiên cứu thực nghiệm từ năm 2018, với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu CSIRO ở Australia.

Xương chày được thiết kế in 3D bằng hợp kim titanium dạng tổ ong

Để bệnh nhân K. có mẫu xương chày thay thế, một bác sĩ của BV Chợ Rẫy đã sang Viện Nghiên cứu CSIRO trong 6 tháng để tham gia vào quá trình thiết kế và in 3D mẫu xương chày từ bột hợp kim titanium với cấu trúc tổ ong. Đây là cấu trúc đặc biệt vừa giúp xương cứng chắc, vừa rất nhẹ, lại giúp tế bào xương tích hợp thuận lợi sau khi ghép. Khi mẫu xương chày được vận chuyển về BV Chợ Rẫy, các chuyên gia phải xử lý theo tiêu chuẩn ISO 13485:2016 mà CSIRO yêu cầu. Cuộc phẫu thuật ghép xương chày diễn ra thuận lợi và thành công. “Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt”- BS.Tuấn phấn khởi cho hay.

Được biết, tại Việt Nam, đây là trường hợp đầu tiên sử dụng mảnh ghép in 3D hợp kim titanium dạng tổ ong để thay thế xương chày. Trước đó, một số BV trong nước đều thành công trong việc ghép xương in 3D. Tuy nhiên, có trường hợp sử dụng vật liệu PEEK để in, có trường hợp sử dụng titan để in nhưng xương đặc, nguyên khối chứ không phải dạng tổ ong. Theo chuyên gia BV Chợ Rẫy, thành công đối với bệnh nhân K. cùng với sự hợp tác lâu dài từ Viện Nghiên cứu CSIRO hứa hẹn nhân rộng kỹ thuật mới này trong thời gian tới.

Kỹ thuật in 3D được phát minh vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, với mục đích chế tạo nhanh những thiết kế nguyên mẫu. Hiện nay, kỹ thuật in 3D đã được đa dạng hóa, giúp tạo những vật thể với vật liệu đa dạng như nhựa nhiệt dẻo, polyme, kim loại... có khả năng đáp ứng hầu hết các yêu cầu thiết kế kỹ thuật. Ứng dụng in 3D vào lĩnh vực y tế bắt đầu từ giữa những năm 90 của thế kỷ 20, nhưng chỉ trong 6 năm gần đây, công nghệ này mới bắt đầu bước vào đà phát triển vượt bậc và được sử dụng hằng ngày tại các BV lớn trên thế giới.

Thanh Giang