Print

Nhật Bản: Tăng nguồn chi cho an sinh xã hội trong năm 2021

Thứ Sáu, 08 /01/2021 11:02

Trong dự toán chi ngân sách năm 2021 của Nhật Bản, lĩnh vực an sinh xã hội được chú trọng, tăng đáng kể mức chi so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng chi lớn nhất trong các khoản phải chi.

Mới đây, Nhật Bản đã phê duyệt chi ngân sách cho năm 2021, với tổng kinh phí lên tới 106,6 nghìn tỷ yên. Còn số này đạt mức cao kỷ lục, cao hơn 4 nghìn tỷ yên so với năm 2020 và đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp tăng chi từ ngân sách, và cũng là năm thứ ba liên tiếp Nhật Bản chi ngân sách hơn 100 nghìn tỷ yên/năm.

Đặc biệt, do phải chi ứng phó với đại dịch Covid-19 và già hóa dân số, Nhật Bản phải chi một khoản rất lớn cho an sinh xã hội. Cụ thể, chi an sinh xã hội chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu, tăng 150,7 tỷ yên so với năm 2020, đạt mức 35,8 nghìn tỷ yên. Ngân sách cho năm tài chính 2021 cũng bao gồm 5 nghìn tỷ yên dành cho các biện pháp đối phó với đại dịch Covid-19.

Chi tiêu quốc phòng tăng 1,2% lên 5,3 nghìn tỷ yên, đáp ứng phát triển cho các lĩnh vực mới như không gian vũ trụ và không gian mạng. Con số này cũng ghi nhận năm thứ bảy liên tiếp Nhật Bản chi tiêu cho quốc phòng đạt mức kỷ lục.

Trong khi đó, thu ngân sách của Nhật Bản giảm 9,5% so với năm tài chính 2020, xuống còn 57,4 nghìn tỷ yên. Để bù đắp khoản hụt thu, việc phát hành trái phiếu chính phủ Nhật Bản sẽ tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 43,6 nghìn tỷ yên. Điều này có nghĩa l40,9% ngân sách của năm tới sẽ được chi trả bằng nguồn vay nợ từ trái phiếu.

Cho đến những năm 1980, nguồn thu và chi tiêu của chính phủ Nhật Bản không chênh lệch nhiều và việc phát hành trái phiếu chính phủ không vượt quá 15 nghìn tỷ yên. Tuy nhiên, cán cân thanh toán của Nhật Bản trở nên tồi tệ hơn khi các biện pháp kích thích tài khóa và cắt giảm thuế được thực hiện liên tục trong thời gian dài; đồng thời kinh tế đình trệ kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng, dẫn đến việc phụ thuộc vào việc phát hành trái phiếu để bù đắp nguồn thu.

Nguồn thu từ thuế của chính phủ Nhật Bản phục hồi trong những năm 2010 và vào tháng 10/2019, thuế tiêu dùng đã được tăng lên 10%. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 đã dẫn đến việc tăng chi tiêu của chính phủ cho các biện pháp kinh tế, đòi hỏi phải phát hành thêm các trái phiếu mới.

Minh Đức