Print

Ấn Độ: Gần 1/4 số người trên 60 tuổi chịu gánh nặng bệnh tật

Thứ Hai, 11 /01/2021 14:09

¼ số người trên 60 tuổi và 1/6 số người từ 45 tuổi trở lên ở Ấn Độ đang trong tình trạng sức khỏe không tốt- Đây là con số được trích xuất trong Nghiên cứu Về lão hóa theo chiều dọc ở Ấn Độ (The Longitudinal Ageing Study, LASI), được công bố vào ngày 6/1/2021.

Nghiên cứu Về lão hóa theo chiều dọc ở Ấn Độ (LASI) được triển khai dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế Ấn Độ, được thực hiện bởi Viện Khoa học Dân số Quốc tế (International Institute for Population Sciences, IIPS); Trường Harvard T.H.Chan Sức khỏe cộng đồng (The Harvard T.H. Chan School of Public Health, HSPH) và Trường Đại học Nam California (The University of Southern California). Là nghiên cứu dọc lớn nhất thế giới và đầu tiên của Ấn Độ, LASI tập trung thu thập dữ liệu về gánh nặng bệnh tật, sức khỏe chức năng, tình trạng kinh tế-xã hội của đối tượng người cao tuổi. 

Giai đoạn đầu của nghiên cứu được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019, với sự tham gia của 72.250 người từ 45 tuổi trở lên; trong đó, 31.464/72.250 người trên 60 tuổi. Những người tham gia được chia thành các nhóm hoặc cụm dựa trên khu vực địa lý, từ tỉnh, thành phố lớn đến các quận, huyện; làng hoặc phường (tùy thuộc vào khu vực nông thôn hay khu vực thành thị) và sau đó là hộ gia đình. Nghiên cứu ghi nhận tình trạng sức khỏe chung của người tham gia bằng hệ thống các câu hỏi, theo đó, họ có thể lựa chọn các câu trả lời theo 5 mức, từ rất tốt đến rất kém.

Kết quả sơ bộ cho thấy, 27,2% người tham gia khảo sát mắc các bệnh tim mạch; 25,8% gặp vấn đề về huyết áp; 11,5% có dấu hiệu bệnh đái tháo đường hoặc lượng đường trong máu cao; 15% cho biết mắc các bệnh về xương khớp; khoảng 7,7% dân số bị trầm cảm, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh này nhiều hơn nam giới; 20,7% dân số bị thừa cân... Ngoài ra, gánh nặng bệnh tật cao hơn ở cư dân thành thị từ 60 tuổi trở lên; phụ nữ có nhiều khả năng mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, các bệnh về khớp... còn nam giới hay gặp rắc rối với bệnh đái tháo đường. Đáng chú ý, nghiên cứu chỉ ra rằng người có trình độ văn hóa thấp, người không có việc làm có xu hướng chịu gánh nặng bệnh tật cao hơn các đối tượng có trình độ văn hóa cao hơn và có việc làm.

Tùng Anh (Theo ThePrint.in)