Print

Đổi mới mạnh mẽ hơn để nắm bắt thời cơ của thời đại CNTT

Thứ Ba, 12 /01/2021 20:23

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Bộ TT-TT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này. Ngành TT-TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT-TT định vị lại mình, nhìn rõ các thách thức và xác định đúng không gian sống mới đóng vai trò quyết định cho mọi sự phát triển.  

Bức tranh toàn cảnh về các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ TT-TT nổi lên rất nhiều điểm sáng tích cực trong suốt 5 năm 2016-2020. Cụ thể, lĩnh vực bưu chính đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao (35%/năm) trong 5 năm qua với tổng doanh thu đạt 56.500 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016 (18.300 tỷ đồng).

Trong lĩnh vực viễn thông, tỷ lệ hộ gia đình kết nối Internet tăng gần 3 lần trong 5 năm qua, đạt 75%, cao hơn mức trung bình của thế giới 1,3 lần (57,4%). Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đã chính thức vượt ngưỡng trung bình của thế giới vào năm 2020, đạt 76,42 thuê bao băng rộng/100 dân.

Trong lĩnh vực CNTT, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước trong năm 2020 đã cao hơn cả 4 năm trước cộng lại, tăng hơn 20 lần so với năm 2016. Cụ thể, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm 30,86% vào năm 2020 so với mức 1,42% năm 2016. Tỷ lệ Bộ ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP đạt 100% trong năm 2020 so với tỷ lệ 0% năm 2016 và 4,76% năm 2018.

Tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT cũng có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm, đạt hơn 120 nghìn tỷ đồng năm 2020, tăng gần 1,8 lần sau 5 năm. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp công nghệ số cũng đạt được sự tăng trưởng tương tự, tăng gấp 2 lần, với 58 nghìn doanh nghiệp năm 2020 trong khi năm 2016 chỉ có 24.500 doanh nghiệp. Trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, chỉ riêng trong năm 2020, số cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn an ninh mạng theo mô hình 4 lớp tăng từ 0 lên 100%. Tỷ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa tăng gần 7 lần, đạt gần 91% so với mức 13,6% năm 2016.

Trong lĩnh vực báo chí tuyên truyền, Bộ TT-TT đã thực hiện Quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai sắp xếp tinh gọn các cơ quan báo chí. Hiện nay, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (năm 2016 có 859 cơ quan báo chí). Mạng xã hội Việt Nam (Zalo, Mocha, Lotus, Gapo) không ngừng lớn mạnh, cạnh tranh với các mạng xã hội quốc tế, tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2016. Số lượng tài khoản người dùng đạt hơn 90,5 triệu…

Trong 5 năm qua, thứ hạng của Việt Nam trong các lĩnh vực Bưu chính, ứng dụng ICT, chỉ số phát triển ICT, Chính phủ điện tử, an toàn an ninh mạng trong các bảng xếp hạng quốc tế đã có những bước tiến mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 50 về Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (CGI) trên 175 quốc gia được khảo sát, đánh giá, tăng 50 hạng so với năm 2017.

Năm 2021, là năm đầu tiên của một giai đoạn mới. Giai đoạn 5 năm tới đây sẽ là giai đoạn "bản lề" để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp và tiến bước trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao trong 20 năm tiếp theo. Đất nước bay lên bằng đôi cánh: Một bên là khát vọng hùng cường, thịnh vượng, một bên là công nghệ. Ngành TT-TT ý thức được trách nhiệm tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh, đặt ra mục tiêu cao, cải thiện thứ hạng quốc gia trên tất cả các lĩnh vực với cách tiếp cận mới và giải pháp đột phá.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định năm 2020 là một năm đặc biệt với nhiều thách thức, khó khăn, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống, song đất nước ta vẫn có những bước phát triển nhất định, kết quả đó có được là do những đóng góp quan trọng của ngành TT-TT.

Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, sự nỗ lực của toàn ngành TT-TT trong năm 2020. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị ngành TT-TT cần tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ hơn để nắm bắt thời cơ của thời đại CNTT, đồng thời có nhiều biện pháp quyết liệt để tiếp tục triển khai xây dựng chính phủ điện tử; các đơn vị, doanh nghiệp CNTT tích cực tham gia vào các chương trình do Bộ TT-TT khởi xướng để tạo ra những nền tảng mới dựa trên yêu cầu thực tiễn của người dân.

Thanh Hằng