Print

Giúp người dân thay đổi thói quen

Thứ Sáu, 15 /01/2021 16:15

Đất nước muốn phát triển bền vững phải có hệ thống an sinh xã hội tốt. Do đó, ngành LĐ-TB&XH đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế chính sách về BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện. Đặc biệt, phải có giải pháp làm thay đổi thói quen của người dân từ tự tiết kiệm sang tham gia hệ thống BHXH…

Trong giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là năm 2020 chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ, nhưng Việt Nam tự hào đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế.

 

Trao đổi với người dân về việc tham gia BHXH tự nguyện

Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng; mức thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không ngừng được nâng cao. Trong nhiệm kỳ, Việt Nam là 1/30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị-xã hội nên kết quả giảm nghèo đa chiều nhanh, bình quân 5 năm qua là 1,35%/năm, từ 9,88% năm 2015 đến năm 2020 giảm còn 2,75%- về đích trước 10 năm so với mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, 5 năm qua, cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; hơn 635.000 người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng- vượt 27% so với chỉ tiêu. Riêng năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng đến 31/12/2020 đã có khoảng 79.000 người đi lao động ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%- là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Theo ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, nhưng cả hệ thống chính trị, nhất là ngành BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp; chính sách BHXH, BHYT thực sự trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Dẫn số liệu từ BHXH Việt Nam, ông Dung cho biết, đến hết năm 2020, cả nước đã có trên 16,04 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có gần 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH đã hướng dẫn UBND các tỉnh và BHXH Việt Nam thực hiện quy định tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “Hệ thống BHXH từng bước được xây dựng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Quỹ BHXH được sử dụng đúng mục đích, quy định của pháp luật; thực hiện kịp thời chính sách BH thất nghiệp, nhất là thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất”- ông Dung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, năm 2021, Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh cải cách chính sách BHXH và phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH; tăng nhanh tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN; gia tăng nhanh số lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện…

Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2021, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục chủ động giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ đột xuất, mới phát sinh, nhất là đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện. Đặc biệt, phải có giải pháp làm thay đổi thói quen của người dân từ tự tiết kiệm sang tham gia hệ thống bảo hiểm để lo cho tương lai.

V.Thu