Print

Đưa chính sách đến với công nhân cao su

Thứ Bảy, 16 /01/2021 07:42

Hàng trăm công nhân thuộc các xí nghiệp của Công ty Cao su Kon Tum dù bận rộn công việc cuối năm, song rất phấn khởi khi trực tiếp tham dự các cuộc tuyên truyền, đối thoại do BHXH tỉnh Kon Tum tổ chức.

Giải “cơn khát” chính sách

Trước đây, chị Lê Thị Lánh, công nhân cạo mủ thuộc Nông trường Cao su Ya Chim (Công ty Cao su Kon Tum) sinh năm 1970 và đã có trên 20 năm tham gia BHXH. Dù coi BHXH là “của để dành” và quyết không nhận BHXH một lần, nhưng chị Lánh vẫn băn khoăn không biết quyền lợi sau này của mình như thế nào. 

BHXH tỉnh Kon Tum tư vấn cho công nhân Nông trường Cao su Ya Chim

Tháng 12/2020, tại buổi tuyên truyền do BHXH tỉnh tổ chức, chị Lánh được đại diện BHXH tỉnh giải thích rõ, do làm công việc nặng nhọc, tuổi về hưu của chị được rút ngắn 5 năm so với quy định, nên chị đã gần đủ thời gian về tuổi đời và thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu.

Tương tự, anh Đoàn Văn Tráng dù đã có nhiều năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nhưng cũng băn khoăn không rõ mình có thuộc diện được về hưu trước tuổi hay không. Về trường hợp anh Tráng, ông Tô Viết Thư- Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Kon Tum) phân tích rõ: Luật quy định người có thời gian làm công việc nặng nhọc, độc hại từ 15 năm trở lên sẽ được về hưu trước tuổi 5 năm. Tuy nhiên, thời gian làm công việc nặng nhọc, độc hại không cần phải liên tục, mà có thể ngắt quãng, miễn cộng dồn lại đủ 15 năm là được. Trường hợp anh Tráng có 12 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, thì anh cần phải có thêm 3 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại nữa để đủ thời gian 15 năm theo quy định.

Cùng tham dự buổi tuyên truyền, chị Mai Thị Toan tỏ vẻ phấn khởi, vì không những được giải thích về chính sách, mà còn có dịp đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho người thân. “Em tham gia BHXH được 12 năm, nên hiểu lợi ích mà BHXH mang lại. Em cũng muốn tham gia BHXH tự nguyện cho chồng nhưng lại không biết làm thế nào. Nay gặp các anh chị bên BHXH tuyên truyền, em hiểu thêm và đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho chồng luôn”- chị Toan tâm sự.

Gắn kết công nhân và DN

Bà Hoàng Thu Thủy- Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Kon Tum) cho biết: Trong tháng 12/2020, BHXH tỉnh đã tuyên truyền trực tiếp tại 2 đơn vị thuộc Công ty Cao su Kon Tum là Nông trường Cao su Ya Chim và Xí nghiệp Cơ khí chế biến cao su Ya Chim. Việc tuyên truyền trực tiếp, giúp cán bộ BHXH có thể trình bày một cách dễ hiểu, rõ ràng và cụ thể về các chế độ, chính sách; đồng thời còn góp phần tuyên truyền, vận động các công nhân tham gia BHXH tự nguyện cho người thân cũng như cài đặt ứng dụng VssID...

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Khắc Hoàng Phú- Giám đốc Nông trường Cao su Ya Chim, trước đây có những thắc mắc của công nhân đơn vị chưa giải đáp được hết, do có những cái chưa làm đúng, không kịp thời. Chẳng hạn, khi tai nạn lao động xảy ra, song NLĐ chưa nắm rõ quy trình thủ tục hưởng chế độ. Vì vậy, việc tham gia đối thoại trực tiếp sẽ giải đáp được nhiều vấn đề, giúp công nhân hiểu thêm về các chế độ, chính sách; thậm chí còn thông qua những người này để tiếp tục lan tỏa chính sách đến các công nhân khác.

Công ty Cao su Kon Tum hiện sử dụng khoảng 1.600 NLĐ, trong đó phần lớn tham gia BHXH, BHYT tại 14 nông trường, 1 xí nghiệp, 1 trường mầm non. Bà Vũ Thị Bích Thảo- Trưởng phòng Tổ chức-Lao động-Tiền lương cho biết, qua đối thoại không những giúp cơ quan BHXH tuyên truyền, phổ biến chính sách, mà còn giúp NLĐ gắn kết hơn với DN. Cũng theo bà Thảo, việc phối hợp tuyên truyền như trên rất hiệu quả, bởi tâm lý công nhân luôn mong muốn được nghe trực tiếp các cơ quan chức năng giải thích.

“Mấy năm gần đây, cơ quan BHXH cử cán bộ xuống các nông trường để tuyên truyền. Vì vậy, nhận thức của NLĐ cũng khác, họ có thể tự tìm hiểu và hỏi trực tiếp cơ quan thực hiện chính sách, nên giảm áp lực công việc cho Công ty. Đồng thời, cán bộ BHXH giải thích chính sách cũng sẽ công tâm hơn, giúp NLĐ có cái nhìn đúng về DN và gắn kết với DN hơn”- bà Thảo chia sẻ.          

Trần Đức