Print

Thông KCB BHYT tuyến tỉnh: Cơ hội để BV tự “làm mới” mình

Thứ Bảy, 16 /01/2021 07:48

Chỉ sau vài ngày quy định thông KCB BHYT tuyến tỉnh có hiệu lực, một số cơ sở y tế đã lộ rõ nhiều điểm yếu, dẫn đến lo giảm người bệnh hoặc quá tải bệnh nhân. Do đó, theo các chuyên gia y tế, các cơ sở KCB tuyến tỉnh phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, để gia tăng niềm tin của người dân.

Nhiều BV lo quá tải

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, những ngày qua, bệnh nhân các tỉnh không cần giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TP.HCM vẫn được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị. Chỉ các trường hợp KCB BHYT ngoại trú tại TP.HCM mới cần có giấy chuyển tuyến. Vì vậy, áp lực đối với các BV tuyến trên của TP.HCM những ngày qua là không thể tránh khỏi.

Nâng cao chất lượng là giải pháp quan trọng giúp các cơ sở y tế tạo niềm tin từ người bệnh

Còn theo ông Tăng Chí Thượng- Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trước đây, số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh KCB BHYT tại TP.HCM chiếm tỷ lệ 20% tổng lượt khám và chiếm gần 49% tổng chi phí BHYT hằng năm. Với quy định thông tuyến tỉnh, dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng cũng đã thấy rõ sự quá tải tại một số BV đầu ngành như BV Đại học Y dược TP.HCM, BV Ung bướu TP.HCM...

Chia sẻ về tình hình đơn vị, đại diện BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết, hiện BV có khoảng 900 giường, vì vậy luôn trong tình trạng quá tải. Trước khi quy định thông tuyến tỉnh có hiệu lực, mỗi ngày BV chuyển khoảng 20 bệnh nhân điều trị nội trú sang các BV khác. Tuy nhiên, những ngày qua, số bệnh nhân điều trị tại đây tăng cao, khiến đội ngũ y bác sĩ gặp nhiều áp lực, rất khó tiếp nhận thêm số bệnh nhân điều trị nội trú.

Tương tự, tại BV Ung bướu TP.HCM, BS.Diệp Bảo Tuấn- Phó Giám đốc BV cho biết: Trước đây, mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 4.000 bệnh nhân tới khám và 600 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số bệnh nhân tới khám, 32% sử dụng BHYT. Trong khi đó, 82% bệnh nhân sử dụng BHYT khi điều trị nội trú và 15% trong số này là điều trị trái tuyến. Từ ngày 1/1/2020, những bệnh nhân nội trú trái tuyến tại BV Ung bướu TP.HCM trở thành đúng tuyến. Vì vậy, áp lực cơ sở vật chất cho BV trong những ngày qua không hề nhỏ...

Về tình trạng này, ông Tăng Chí Thượng cho biết, để tránh quá tải cho các BV có chuyên môn cao, thời gian tới, ngành y tế TP.HCM sẽ tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật KCB BHYT cho người dân khi đi KCB tại các BV, nhất là truyền thông về năng lực KCB của các tuyến y tế cơ sở đã được đầu tư phát triển thời gian qua, như: Các trạm y tế phường, xã đã đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; các BV quận, huyện thực hiện được nhiều kỹ thuật điều trị chuyên sâu… tránh gây áp lực và yêu cầu nhập viện tại các BV tuyến trên khi chưa thật cần thiết, chưa có chỉ định chuyên môn của bác sĩ.

Cũng theo ông Thượng, việc liên thông KCB BHYT tuyến tỉnh là một thách thức về năng lực điều trị nội trú của các BV quận, huyện- khi tất cả BV tuyến này đã tự chủ chi thường xuyên. Do đó, đòi hỏi các BV quận, huyện phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong phát triển danh mục kỹ thuật đáp ứng nhu cầu mô hình bệnh tật, trong đó phát triển nguồn nhân lực chuyên môn và quản trị BV phải được xem là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, các BV quận, huyện cần quan tâm, củng cố và đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng cho khu vực khám và điều trị ngoại trú, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình KCB ngoại trú đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và tuân thủ các quy định của ngành y tế. Đặc biệt, cần nghiên cứu triển khai mô hình KCB từ xa, KCB tại nhà, ưu tiên các bệnh mạn tính không lây, nhất là trong trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19...

BV phải tự “làm mới” mình

Theo BS.Diệp Bảo Tuấn- Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, với quy định thông tuyến tỉnh, về áp lực chuyên môn không có sự thay đổi nhiều vì tất cả đều là bệnh nhân của BV. Tuy nhiên, điều này tăng gánh nặng về tài chính cho Quỹ BHYT. BV Ung bướu TP.HCM có thuận lợi khi cơ sở 2 tại quận 9 đưa vào hoạt động với 1.000 giường bệnh, BV sẽ có nguồn nhân lực và vật lực dồi dào có thể đảm đương được những trường hợp quá tải trong khả năng cho phép…

Trong khi đó, theo đại diện Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu, việc áp dụng kỹ thuật mới vào điều trị bệnh luôn là vấn đề quan trọng, quyết định chất lượng của các cơ sở KCB. Đây còn là yếu tố mang lại sự hài lòng. Không chỉ chờ quy định thông KCB BHYT tuyến tỉnh, giai đoạn 2015-2020, Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu đã khuyến khích các cơ sở KCB “làm mới” mình, với việc triển khai 206 kỹ thuật mới.

Đơn cử, BV Bà Rịa triển khai 34 kỹ thuật mới, trong đó có những kỹ thuật chuyên khoa sâu như: Can thiệp mạch vành, phẫu thuật nội soi khớp, nội soi tiêu hóa, phẫu thuật ung thư. BV Lê Lợi triển khai hàng chục kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người bệnh… Các kỹ thuật này tạo điều kiện để bệnh nhân tiếp cận DVKT cao ngay tại địa phương, giúp giảm chi phí và phục vụ người bệnh tốt hơn.

Ngoài ra, các cơ sở y tế ở Bà Rịa-Vũng Tàu còn nỗ lực cải cách TTHC, quy trình KCB tạo sự hài lòng cho người bệnh. Đơn cử, BV Y học cổ truyền tỉnh vừa có sáng kiến sắp xếp thuốc thành từng nhóm để dược tá dễ thấy. Nhờ vậy, thời gian chờ nhận thuốc của người bệnh rút xuống còn 3-5 phút/lần, thay vì mất 15 phút như trước đây, nên người bệnh rất hài lòng. Hay như BV Lê Lợi vừa triển khai giải pháp đăng ký lịch khám trực tuyến Medpro, với những tính năng như: Đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến; quản lý lịch khám; tra cứu kết quả KCB và tư vấn sức khỏe trực tuyến… “Giải pháp đặt lịch khám trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho người dân đăng ký khám bệnh từ xa. Khi đến BV, bệnh nhân lên thẳng phòng khám gặp bác sĩ, mà không phải xếp hàng chờ lấy số, đóng tiền, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại”- BS.Nguyễn Thanh Phước- Giám đốc BV Lê Lợi cho hay.

Chia sẻ thêm về vấn đề thông tuyến, ông Huỳnh Thanh Hà- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, chính sách này có tác động lớn đến các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Để người có thẻ BHYT lựa chọn nơi điều trị nội trú tuyến tỉnh, thì bắt buộc các cơ sở KCB tuyến tỉnh phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư cơ sở vật chất, triển khai các kỹ thuật cao, đào tạo nguồn nhân lực giỏi để thu hút bệnh nhân.

“Có như vậy mới giữ được bệnh nhân ở lại điều trị nội trú tại cơ sở KCB tuyến tỉnh, nhất là các tỉnh gần các đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội- nơi có nhiều cơ sở KCB tương đương tuyến tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại, tay nghề bác sĩ giỏi được nhiều người dân tin tưởng, lựa chọn”- ông Hà nhấn mạnh.

Lê Văn