Print

Những điểm sáng

Chủ nhật, 17 /01/2021 22:55

Bất chấp những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ gây ra, công tác thu BHXH, BHYT năm 2020 vẫn “cán đích” thành công. Những kết quả này tạo tiền đề giúp BHXH Việt Nam tự tin trong việc triển khai thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021.

Những thách thức chưa có tiền lệ

Năm 2020, đại dịch COVID-19 lây lan đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội toàn cầu và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Bên cạnh đó là những thiệt hại do thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các yếu tố này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp nhiều khó khăn, nhiều NLĐ bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập.

Cán bộ BHXH tỉnh Bắc Kạn đang tư vấn, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung trong năm 2020, cả nước có 134.900 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 2.235.600 tỷ đồng và 1.043.000 NLĐ. Con số DN thành lập mới giảm 2,3% nhưng tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số NLĐ so với năm trước. Tuy nhiên, cũng trong năm 2020, cả nước có 101.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước, bao gồm: 46.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37.700 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17.500 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%.

Những con số thống kê phần nào cho thấy thực trạng hoạt động của các DN. Trong bối cảnh đó, công tác thu BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam bị tác động mạnh, nhất là thu BHXH bắt buộc. Theo kế hoạch năm 2020, BHXH Việt Nam được giao chỉ tiêu thu cao hơn tương đối so với năm 2019, trong khi lại gặp nhiều yếu tố bất lợi để tăng thu, giảm nợ đọng. Bên cạnh đó, cũng bởi tác động của dịch COVID-19, không thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở nên lương tháng đóng BHXH, BHYT hằng tháng tính theo lương cơ sở không tăng như tính toán khi xây dựng dự toán. Thu BHXH, BHYT từ nhóm NLĐ khối cơ quan hành chính, sự nghiệp, mức đóng BHYT ở các nhóm được NSNN đóng, hỗ trợ đóng cũng không đạt con số cao như khi xây dựng kế hoạch từ đầu năm. Trong khi đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng phải hạn chế, nhất là trong quãng thời gian thực hiện giãn cách xã hội...

Những điểm sáng

Theo Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng số thu toàn Ngành là đạt 100,6% kế hoạch, tăng 6,4% so năm 2019.

Hầu hết BHXH các tỉnh, thành phố đều đạt kế hoạch thu được giao, thậm chí nhiều địa phương vượt kế hoạch, như: Bắc Giang đạt 104,2%, Bắc Ninh 103,6%, Bến Tre 103%, Đà Nẵng 102,6%, Vĩnh Phúc 102,3%, Hà Nam 102,1%, Đắk Nông và Hậu Giang 101,9%, Yên Bái 101,7%, Hòa Bình 101,5%, Cao Bằng, Long An, Quảng Ngãi và Tuyên Quang 101,4…

Riêng về BHXH bắt buộc, trong bối cảnh hầu hết các DN gặp khó khăn về đầu ra, nguyên vật liệu sản xuất đầu vào do hạn chế xuất nhập khẩu, nhưng vẫn có nhiều địa phương đạt kết quả khả quan. Đơn cử như Bắc Giang đạt 102,4%, Bắc Ninh 102,3%, Bến Tre 101,5%, Vĩnh Phúc 101,5%, Sóc Trăng và Tuyên Quang 101,4%, Hòa Bình 101,3%, Đà Nẵng 101,2%, Hải Dương, Yên Bái, Hậu Giang, Kon Tum và Bạc Liêu 101%, Thái Nguyên 100,8%...

Cùng với đó, tỷ lệ nợ BHXH trong cả nước cũng chỉ khoảng 3,35%; có gần 40 BHXH tỉnh, thành phố tỷ lệ nợ thấp hơn tỷ lệ nợ chung toàn Ngành. Trong đó nhiều địa phương duy trì được tỷ lệ nợ rất thấp, như: Bình Phước 0,81%, Tây Ninh 0,91%, Hà Giang 0,95%, Hải Dương 1,02%, Điện Biên 1,07%, Cao Bằng 1,12%, Thái Nguyên 1,33%, Trà Vinh 1,48%, Kon Tum 1,55%, Vĩnh Long 1,66%...

Từ những con số trên có thể nói, đây là điểm sáng rất đáng ghi nhận, giúp cho Ngành tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu thu BHXH, BHYT được giao cũng như tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao trong năm 2021.

Minh Đức