Print

Thí điểm Góc tư vấn về Tăng huyết áp, Đái tháo đường tại các cơ sở KCB

Thứ Hai, 18 /01/2021 16:12

Hiện Việt Nam có khoảng 3,5 triệu bệnh nhân mắc đái tháo đường và 17 triệu bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân kiểm soát được bệnh chưa được cao, chỉ khoảng 34% ở bệnh nhân đái tháo đường và 11% ở bệnh nhân tăng huyết áp. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do kiến thức về bệnh còn hạn chế, cũng như sự tuân thủ điều trị chưa cao ở bệnh nhân.

Tăng huyết áp là một trong những vấn đề sức khỏe tim mạch thường gặp nhất và hiện tác động đến gần 1 tỷ người trên khắp thế giới; bên cạnh đó, còn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến đột quỵ não, suy tim, suy thận...

Nhiều nghiên cứu cho thấy, số người bị bệnh tăng huyết áp có thể tăng lên mức 1,5 tỷ người vào năm 2025. Những năm gần đây, tăng huyết áp ngày càng phổ biến ở Việt Nam do sự gia tăng dân số, lão hóa cùng các nguy cơ liên quan đến hành vi như chế độ ăn uống không lành mạnh, hấp thụ quá nhiều muối, lạm dụng rượu bia, ít vận động thể lực, thừa cân và thường xuyên căng thẳng trong cuộc sống. Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, nếu năm 2008 có 25,1% số người trưởng thành bị tăng huyết áp; thì năm 2015, con số này đã là trên 40%, ước tính khoảng 20 triệu người.

Đái tháo đường là căn bệnh mãn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản sinh đủ insulin (tên một loại hoóc-môn được sản sinh trong tuyến tụy giúp các tế bào hấp thụ glucose trong máu còn gọi là glucose máu và chuyển hóa thành năng lượng cho hoạt động hằng ngày) cần thiết cho cơ thể; tế bào mất khả năng sử dụng insulin có sẵn trong cơ thể. Theo thống kê năm 2014 từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đái tháo đường đang ảnh hưởng đến 422 triệu người trên toàn cầu. Nếu không có sự tăng cường nhận thức và can thiệp kịp thời, đái tháo đường sẽ trở thành 1 trong 7 nguyên nhân hàng đầu gây chết người vào năm 2030.

Là Dự án phi lợi nhuận tại Việt Nam được khởi xướng bởi Servier Việt Nam từ năm 2016, với sự hợp tác của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam, “Ngày đầu tiên” mang tính cải tiến vấn đề cốt lõi- các yếu tố trong môi trường sống của bệnh nhân (gia đình, bạn bè, bác sĩ, điều dưỡng…), để từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh không lây nhiễm, qua đó giúp bệnh nhân được chẩn đoán sớm hơn, xây dựng một lối sống lành mạnh, tập trung vào quản lý tình trạng bệnh một cách lâu dài.

Dự án bao gồm tổ hợp các hoạt động từ chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lý Tăng huyết áp và Đái tháo đường, tầm soát phát hiện sớm bệnh, đào tạo cho đội ngũ y bác sĩ về phương pháp tư vấn tạo động lực cho bệnh nhân, đào tạo đội ngũ điều dưỡng về kiến thức chuyên môn và phương pháp tư vấn hiệu quả (bao gồm các khóa học trực tiếp và trực tuyến), giáo dục bệnh nhân thông qua các tài liệu tuyên truyền, poster… Cách tiếp cận của dự án bao gồm tổ hợp các hoạt động cả online và offline. Hai chuỗi hoạt động này sẽ tạo vòng khép kín đảm bảo bệnh nhân được hiểu rõ hơn về bệnh, thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị lâu dài.

Ngày 15/1/2021, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) ban hành Quyết định số 10/QĐ-KCB về việc Hướng dẫn Triển khai thí điểm hoạt động tư vấn về Tăng huyết áp và Đái tháo đường áp dụng trong Dự án “Ngày đầu tiên”. Theo đó, năm 2021- 2022, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ thiết lập 01 Phòng hoặc 01 Góc tư vấn về Tăng huyết áp và Đái tháo đường, gọi tắt là Góc tư vấn, nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin cho người bệnh, thân nhân người bệnh về nâng cao sức khỏe, dự phòng, quản lý bệnh Tăng huyết áp và Đái tháo đường; quản lý tình hình bệnh nhân Tăng huyết áp và Đái tháo đường tại cơ sở; thống kê dữ liệu về bệnh nhân Tăng huyết áp và Đái tháo đường được tư vấn để có các điều chỉnh kịp thời trong hoạt động, nội dung tư vấn cho bệnh nhân.

Theo Quyết định số 10/QĐ-KCB, Góc tư vấn sẽ được đặt tại Phòng khám bệnh hoặc Khoa khám bệnh hoặc gần nơi cấp phát thuốc của cơ sở khám, chữa bệnh. Dự kiến có tối thiểu 03 nhân viên y tế (bác sỹ hoặc điều dưỡng) sẽ luân phiên hoặc làm việc thường xuyên tại Góc tư vấn. Góc tư vấn hoạt động ít nhất 05 buổi cố định trong tuần và có thông báo về thời gian làm việc trên website hoặc bảng thông báo của bệnh viện. Trong ngày làm việc, sẽ có ít nhất 1 bác sỹ hoặc điều dưỡng trực tại Góc tư vấn. Mỗi ngày, Góc sẽ tiếp nhận và tư vấn cho cho tối thiểu 10 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh về Tăng huyết áp và Đái tháo đường, đặc biệt là những bệnh nhân mới phát hiện. Đồng thời, Dự án “Ngày đầu tiên” cũng sẽ triển khai các lớp đào tạo cho một số lượng hạn chế nhân viên y tế về kỹ năng tư vấn về Tăng huyết áp và Đái tháo đường; bệnh viện tiếp tục đào tạo cho các nhân viên y tế khác về kỹ năng tư vấn về Tăng huyết áp và Đái tháo đường để bảo đảm hoạt động Góc tư vấn được duy trì, hiệu quả.

Tùng Anh