Print

Kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2021-2025

Thứ Tư, 20 /01/2021 11:17

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NIFC) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025 có thể đạt mức 6,8%/năm và 6,72% trong năm 2021.

Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc", được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF)và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức sáng 20/1, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, trong năm 2020, dịch Covid-19 mang đến những thách thức và cả cơ hội mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo 2021-2025.

Ông Phương chỉ ra rằng, nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng, nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Mặc dù là một trong số ít quốc gia duy trì mức tăng trưởng kinh tế dương trên thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 2,91%, giảm mạnh so với mức dự báo trước đó (6,5-7%), là mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua. Nhờ đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì hoạt động kinh tế và kiểm tra việc lấy lan của bệnh, xét về khả năng duy trì tăng trưởng, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có sức chống chịu thuộc nhóm tốt nhất khu vực và thế giới. Trong phân tích của mình, NIFC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại, với 2 kịch bản chủ yếu.

Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8%, diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch Covid-19 dần được khống chế. Tại kịch bản khả quan, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2%0- kịch bản này diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến: Kinh tế Mỹ tăng trưởng trên 3,5%; kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6-8%; các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố tác động và những điều chỉnh trong trung hạn 2021-2025, NCIF cũng cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 theo hai kịch bản với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm và gần 6,8%/năm.

NCIF cũng đề xuất, trong năm 2021, mục tiêu hàng đầu cần hướng tới là tập trung khắc phục hậu quả của Covid-19, khôi phục tăng trưởng kinh tế; các mục tiêu mang tính dài hạn hơn nhằm duy trì tăng trưởng, cần đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Đại diện thường trú UNDP, bà Caitlin Wiesen đề xuất 4 hành động chính “để có thể phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 và không để lại ai phía sau". Cụ thể, đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất (và thu nhập); hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bằng cách chuyển đổi nền kinh tế (sản xuất và tiêu dùng) theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng; phát triển thị trường vốn trong nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính phát triển để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Đại diện UNDP cũng đề xuất Việt Nam nên tiếp tục áp dụng phương pháp quản trị Ba AAA (Dự đoán, Thích ứng và Nhanh nhạy), tạo môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm và tạo ra các giải pháp sáng tạo của người dân, do người dân và các tổ chức ở Việt Nam.

Thái An