Print

Tiếp tục nâng tầm công cuộc đổi mới

Chủ nhật, 24 /01/2021 07:07

Công cuộc đổi mới được Đảng ta lãnh đạo suốt 35 năm qua đã đem lại những thành quả to lớn, góp phần giúp đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Và tại Đại hội XIII sắp diễn ra, Đảng ta lại tiếp tục có những định hướng chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển đất nước, nhất là tiếp tục nâng tầm công cuộc đổi mới một cách toàn diện hơn.

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 là 6,3 tỷ USD thì đến năm 2020 đạt khoảng 268,4 tỷ USD. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ. Năm 1985, bình quân thu nhập đầu người là 159 USD thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm.

Giai đoạn 5 năm vừa qua, bất chấp những thách thức chưa từng có, từ đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở vùng ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở miền Trung… Đặc biệt, trong năm 2020, khó khăn như lên đến cực đại với đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế-xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, với đà phát triển, nhất là với sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn quân, toàn dân, công cuộc đổi mới tiếp tục có những bước tiến mới vững chắc, với nhiều thành tựu, dấu ấn nổi bật.

Cụ thể, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao (trung bình khoảng 5,9%/năm). Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi COVID-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ đợt đại suy thoái 1929-1932, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương- xấp xỉ gần 3%. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô kinh tế Việt Nam giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD- đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới…

Đó là những con số thống kê mang nhiều ý nghĩa. Dù vậy, vẫn cần nhấn mạnh rằng, tăng trưởng kinh tế chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi đời sống người dân, an sinh xã hội được bảo đảm và phát triển. Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói “GDP không tính đến tuổi thọ và sức khỏe của người dân, không đo lường được sự tận tụy, cống hiến của CBCCVC, không đong đếm được tình người trong bão lũ ở miền Trung và đại dịch COVID-19 vừa qua, và không thể phản ánh đầy đủ được bản chất tốt đẹp của chế độ ta”.

Có thể thấy, hiện nay, thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB- tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD. Tuổi thọ trung bình của người dân nay cũng đã tăng lên gần 74 tuổi. Trong Báo cáo gần đây của UNDP, chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam đã được xếp vào nhóm phát triển cao của thế giới. Bên cạnh đó, còn là thành quả vô cùng ý nghĩa về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3% so với 10% của 5 năm trước.

Một đất nước chưa phải thuộc nhóm quốc gia phát triển mạnh nhất về kinh tế, nhưng độ bao phủ BHYT đã đạt trên 90% dân số chỉ trong khoảng 17 năm, trong khi các quốc gia khác cần khoảng 40-80 năm. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước đã và đang định hướng chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, mở rộng bao phủ BHXH toàn dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “chúng ta phải tiếp tục mở rộng độ bao phủ của BHYT lên 100% trong thời gian sớm nhất”. Chúng ta cũng đang xây dựng một lưới an sinh xã hội rộng lớn nhằm bảo vệ những người yếu thế trong xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”… Đó chính là bản chất tốt đẹp của chế độ ta, là thành quả của lịch sử đấu tranh gian khổ giành độc lập tự do và thành quả của 35 năm đổi mới đất nước.

Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Và người thụ hưởng những thành quả đó chính là người dân, những người đã và đang có được cuộc sống ngày một ấm no, phát triển hơn thể hiện rõ qua những con số tăng trưởng cả về kinh tế, vật chất lẫn tinh thần.

Với chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”, Đại hội XIII của Đảng có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021- 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tinh thần đổi mới tiếp tục được phát huy mạnh mẽ tại Đại hội lần này, với điểm mới không chỉ được thể hiện từ chủ đề của Đại hội mà còn từ việc xác định cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới. Trong đó, Đảng sẽ xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phát triển trên các lĩnh vực; cũng như xác định nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược...

Suy cho cùng, quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng, phát triển kinh tế- xã hội, cuối cùng mục đích hướng tới vẫn là chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Các định hướng chiến lược từ Đại hội XIII sẽ là kim chỉ Nam để đất nước tiếp tục phát triển đi lên và kiên định với lý tưởng XHCN. Từ đây, cả hệ thống chính trị sẽ cùng nhau xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, mọi tầng lớp nhân dân, bất kể thành phần, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tuổi tác… đều có cơ hội chung tay góp sức xây dựng đất nước ngày một phát triển hơn, trên tinh thần Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.

Minh Đức