Print

Lao động “nhảy việc”: Nhiều hệ lụy

Chủ nhật, 24 /01/2021 22:00

Tình trạng lao động nhảy việc tại một số địa phương khu vực Tây Nam bộ- khu vực gần Long An, TP.HCM, Bình Dương đã khiến công tác quản lý lao động gặp nhiều khó khăn, thậm chí khiến một số địa phương giảm số người tham gia BHXH bắt buộc.

Tại Vĩnh Long, đến cuối năm 2020 có 936.225 người tham gia BHXH, BHYT mới và đáo hạn, tăng 32.339 người so với năm 2019 và đạt 100,9% kế hoạch được BHXH Việt Nam giao. Trong đó gồm: Tham gia BHXH bắt buộc có 96.048 người, tăng 190 người so với năm 2019, đạt 100% kế hoạch; tham gia BHXH tự nguyện có 13.678 người, tăng 8.836 người so với năm 2019, đạt 101,3% kế hoạch.

Ảnh minh họa

Mặc dù số người tham gia BHXH, BHYT được coi là cao, song nếu căn cứ theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, thì việc hoàn thành chỉ tiêu BHXH bắt buộc của Vĩnh Long đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, năm 2020, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc của tỉnh mới đạt 18,8% so với lực lượng lao động trên địa bàn, trong khi chỉ tiêu được giao là 22,4%; riêng BHXH tự nguyện đạt 2,7% lực lượng lao động- khá cao so với chỉ tiêu được giao là 0,9%.

Theo ông Phạm Minh Dương- Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long, hiện nay, công tác phát triển lao động tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân như: Khối cơ quan nhà nước đang thực hiện tinh giản biên chế; một số DN gặp khó khăn nên phải thu hẹp sản xuất; một số đơn vị chuyển NLĐ về đóng BHXH tại trụ sở chính; một số đơn vị đầu tư thiết bị hiện đại dẫn đến cắt giảm lao động. Đặc biệt, nhiều lao động của tỉnh “nhảy việc” chuyển về làm việc tại các KCN lớn ở TP.HCM, Bình Dương, Long An… Chính vì vây, theo ông Dương, mặc dù số người tham gia BHXH bắt buộc mới tăng, song do tình trạng “nhảy việc” diễn ra nhiều đã khiến cho số người tham gia mới trong năm 2020 chỉ tăng 190 người so với năm 2019.

Tại Tiền Giang, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 209.497 người tham gia BHXH. Trong đó có 190.681 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 12.160 người so với năm 2019 và đạt 100% chỉ tiêu được giao; 18.816 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 11.561 người so với năm 2019, đạt 101,51% so với chỉ tiêu được giao.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Võ Khánh Bình- Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang cho rằng, do ảnh hưởng kép từ dịch bệnh COVID-19 và hạn mặn, nên nhiều DN trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, các ngành sản xuất công nghiệp (may mặc, giày da…) và sản xuất chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản; du lịch, khách sạn… gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm, kho lưu trữ hàng hóa. Nhiều DN phải tạm thời thu hẹp sản xuất kinh doanh, NLĐ buộc phải tạm ngừng HĐLĐ, nghỉ việc không lương, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất… Do đó, đã ảnh hướng rất lớn đến công tác phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ BHXH, BHYT của toàn tỉnh.

Cũng tại Tiền Giang, trong năm 2020, các hội nghị tuyên truyền trực tiếp để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình rất hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tại các DN phải tạm dừng. Tại một số KCN ở Tiền Giang, nhiều DN dù mở rộng đăng tuyển lao động với nhiều chính sách ưu đãi (lao động mới tuyển vào làm việc ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên được hỗ trợ liên tục 3 tháng (1 triệu/tháng/lao động), nhưng vẫn không tuyển được lao động. Nguyên nhân là do một số DN lớn ở TP.HCM, Long An… tổ chức xe đưa đón công nhân đến tận địa bàn ấp, xã, với mức lương, thưởng cao hơn... nên những NLĐ trẻ ở nông thôn, kể cả NLĐ đang làm việc và tham gia BHXH tại Tiền Giang cũng tìm cách “nhảy việc” chuyển lên TP.HCM, Long An.

Ngoài ra, việc tham gia BHXH bắt buộc tại Tiền Giang giảm còn do một số nguyên nhân khách quan. Theo đó, NLĐ thuộc khối HCSN giảm do thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, số NLĐ trong khối này ước giảm gần 1% trên tổng số tham gia so với cuối năm 2019.

Riêng về phát triển BHXH tự nguyện, lãnh đạo BHXH tỉnh Tiền Giang nhận định, tuy có phát triển nhưng số tăng mới lại chưa nhiều. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định, nhất là vùng nông thôn chỉ sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt và thường bị mất mùa, rớt giá hoặc đi làm thuê công nhật thu nhập bấp bênh. Ngoài ra, từ ngày 1/1/2020, người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố không còn được ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện (100%), nên đã giảm 1.315 người so với cuối năm 2019.

Trần Đức