Print

Lao động trẻ Yemen phát huy vai trò trong việc phục hồi di tích lịch sử

Thứ Năm, 18 /02/2021 16:37

Bất chấp đại dịch Covid-19, Dự án “Thu nhập cho công việc: Thúc đẩy cơ hội sinh kế cho thanh niên thành thị ở Yemen” (Cash For Work: Promoting Livelihood Opportunities for Urban Youth in Yemen) được đồng khởi xướng bởi UNESCO và Liên minh châu Âu (EU) đã tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động trẻ của quốc gia Tây Á này vào năm 2020- Đây là một phần Khung chiến lược của LHQ về Ứng phó kinh tế- xã hội tức thời với Covid-19 ở Yemen.

Sống ở thành phố cảng Aden- Thủ đô tạm thời của Yemen, Sami Mohammed là một thanh niên Yemen tròn 20 tuổi, sinh sống bằng nghề đánh cá để nuôi cha mẹ và 6 đứa em. Những cuộc xung đột đang diễn ra liên miên ở Yemen đã ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu hộ gia đình, buộc NLĐ trẻ Yemen phải chọn giữa cầm vũ khí tham chiến hoặc tham gia vào các hoạt động kinh tế không bền vững. Sami cũng vậy, cuộc sống của cậu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột, thậm chí cậu đã dự tính tham gia chiến trận vào 2 năm trước.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Sami quyết định không đăng ký tham gia một nhóm vũ trang do bị yêu cầu ký vào một “hợp đồng sinh tử”, theo đó không ai phải chịu trách nhiệm trong trường hợp cậu tử nạn; trong khi đó, tất cả những gì Sami muốn lúc bấy giờ chỉ là có thu nhập bền vững để nuôi thân, cũng như chăm lo cho gia đình. Quyết định sáng suốt của Sami đã giữ mạng cho cậu, đưa đẩy cậu đến công việc của một ngư dân trong một thời gian khá dài. Song, không thể phủ nhận, công việc này cũng tính là không ổn định do phụ thuộc sâu sắc vào điều kiện thời tiết và kinh tế.

Sami là một trong số hàng trăm thanh niên Yemen được tuyển dụng trong Dự án “Thu nhập cho công việc: Thúc đẩy cơ hội sinh kế cho thanh niên thành thị ở Yemen” của UNESCO. Với sự hỗ trợ tài chính của EU (10 triệu euro), Dự án nhằm tạo việc làm cho 4.000 lao động trẻ nam và nữ thanh niên trong việc bảo vệ di tích lịch sử trong cả nước. Như trường hợp của Sami, cậu làm việc tại Bảo tàng Quốc gia Cung điện Sultan ở Aden. Bảo tàng này nhìn ra chợ cá trung tâm Aden, nơi Sami từng nhiều năm buôn bán cá đánh bắt được, rất vất vả nhưng thu nhập bấp bênh. Hiện tại, Sami nhận lương ổn định hàng tuần. Cuộc sống của Sami thay đổi rất nhiều bởi Dự án; hay nói cách khác, Dự án đã “hồi sinh” cuộc sống của Sami và nhiều bạn bè cùng trang lứa của cậu, mở ra “cánh cửa” để họ nuôi sống bản thân, gia đình, cung cấp thực phẩm và đáp ứng nhu cầu tích lũy của họ.

Nằm giữa dãy núi Shamsan, Crater- địa danh lịch sử của Aden được đặt tên liên quan đến ngọn núi lửa cổ đã tắt bao quanh thành phố. Được coi là Thủ đô tạm thời của Yemen, Aden chứa đựng di sản kiến trúc độc đáo dựa trên bề dày lịch sử của quá trình di cư và ảnh hưởng thuộc địa. Các di tích lịch sử của thành phố thường được xây dựng bằng vật liệu lấy từ núi non xung quanh như đá núi lửa sẫm màu, gỗ thân cứng được trồng trong khí hậu cận nhiệt đới.

Kể từ cuối năm 2014, Yemen bắt đầu sa lầy trong cuộc nội chiến khi các tay súng Houthi đánh chiếm Thủ đô (cũ) Sanaa khiến Chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong. Năm 2015, một liên minh quân sự giữa các quốc gia Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Từ cuối tháng 9/2019, Saudi Arabia tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi để giảm bạo lực.

Đến nay, xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, "gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới" như nhận định của LHQ. Không chỉ vậy, các cuộc xung đột đã và đang diễn ra ở Yemen còn ảnh hưởng tiêu cực đến tính toàn vẹn của các di tích lịch sử, nhà ở của cư dân và đe dọa trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ gia đình đang sinh sống trong các đô thị cổ. Vì vậy, câu chuyện của Sami có hiệu ứng lan tỏa, khích lệ sự nỗ lực của nhiều lao động trẻ Yemen nhằm có được tương lai tốt đẹp hơn, góp phần ổn định phát triển đất nước.

Tùng Anh (Theo UNESCO)