Print

Có vắc-xin ngừa COVID-19: Cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường?

Thứ Sáu, 19 /02/2021 14:06

Các chương trình tiêm chủng đại trà ngừa COVID-19 đang được nhiều quốc gia triển khai nhanh chóng, thắp lên hy vọng thế giới sẽ sớm quay trở lại cuộc sống như trước khi đại dịch tấn công.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, sẽ không dễ dàng và sớm đạt được điều đó, vì vắc-xin ngừa COVID-19 không phải là “liều tiêm ma thuật” giúp triệt tiêu đại dịch. Họ khuyến cáo mọi người cần tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khoẻ trước vi-rút SARS-CoV-2, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội trong ít nhất vài tháng nữa.

Đi đầu trong nỗ lực tiêm ngừa COVID-19, Anh là một trong những nước có tốc độ triển khai tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Tuy vậy, Giáo sư y khoa Paul Hunter tại ĐH East Anglia, vẫn khuyên chính phủ nước này cần xem xét nhiều yếu tố khác nữa trước khi nới lỏng lệnh phong tỏa, bắt đầu với sự giảm mạnh về số ca bệnh nặng và tử vong. “Vấn đề thực sự nằm ở con số”- tiến sĩ Hunter nói.

Ông cũng giải thích thêm, nếu Anh ở trong tình trạng như hồi tháng 8/2020- khi số ca mắc mới mỗi ngày đều dưới 1.000, thậm chí có ngày chỉ có 600 ca, số bệnh nhân nhập viện dưới 100 và tỷ lệ tử vong dưới 10, thì chính phủ có thể nới lỏng một số quy định hạn chế hiện tại trong bối cảnh chương trình tiêm chủng đang diễn ra.

Thế nhưng, hiện tại, các ổ dịch vẫn đang bùng phát không kiểm soát ở khắp vương quốc này. Theo thống kê, ngày 27/1, Anh ghi nhận 25.000 ca mắc mới và 1.725 trường hợp tử vong, nâng tổng số người chết vì COVID-19 toàn quốc vượt mốc 100.000. Tuần trước, bức tranh cũng không hề tươi sáng hơn khi mỗi ngày lại có trên 35.000 ca mắc và ít nhất 1.000 trường hợp tử vong. Hai tuần trước, Anh được coi là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh này cao nhất thế giới.

Câu hỏi chính được đặt ra ở đây là vắc-xin có thể “làm phẳng đường cong” nhanh đến đâu? Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan những vắc-xin đang được đưa vào sử dụng, chẳng hạn liệu chúng có thể ngăn được lây nhiễm giữa người và người hoặc tạo được khả năng miễn dịch trong bao lâu? Câu hỏi chưa được giải đáp, có nghĩa những người đã được tiêm vẫn có thể lây truyền vi-rút hoặc bị nhiễm sau một thời gian- nếu các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ hoàn toàn.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các biến thể vi-rút SARS-CoV-2 mới càng khiến cho nỗ lực chống dịch trở nên phức tạp. Lý do, theo các chuyên gia, đơn thuần là không biết các vắc-xin hiện hành sẽ phản ứng thế nào với những biến thể mới. Theo một số nghiên cứu mới, biến thể B.1.351 lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi có thể vô hiệu hóa khả năng miễn dịch tạo ra từ vắc-xin.

Hôm 25/1, hãng dược phẩm Moderna thừa nhận dù vắc-xin của họ “dự kiến bảo vệ cơ thể trước biến thể mới hiện nay”- bao gồm cả biến thể ở Anh, song nghiên cứu ban đầu cho thấy nó vẫn kém hiệu quả hơn khi đối mặt với biến thể vi-rút phát hiện ở Nam Phi. Cả 2 hãng dược phẩm Pfizer và Moderna thông báo đang phát triển một loại vắc-xin tăng cường mới để ngăn chặn tình trạng mất hiệu quả này.

Trong khi đó, ĐH Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca cho biết đang “đánh giá cẩn thận tác động của các biến thể mới đối với khả năng miễn dịch của vắc-xin và cân nhắc các quy trình cần thiết để phát triển nhanh chóng một loại vắc-xin ngừa COVID-19 được điều chỉnh trong trường hợp cần thiết”.

HD